Nền tảng quản lý và bán hàng đa kênh Sapo vừa phát hành báo cáo thường niên liên quan thị trường bán lẻ. Theo báo cáo, 15.000 khách hàng Sapo cho biết họ bị ảnh hưởng doanh thu nặng nề so với năm 2022, tiếp cận nguồn vốn khó khăn nên không chi tiêu mạnh tay cho marketing và tiếp thị. Tuy vậy, nhà bán hàng vẫn lạc quan về tình hình kinh doanh năm 2024 và đặt ra nhiều kế hoạch mới nhằm bắt kịp xu hướng của thị trường.
Cụ thể, khảo sát của 15.000 nhà bán hàng là khách hàng Sapo cho thấy, doanh thu trung bình năm 2023 của phần lớn cửa hàng sụt giảm trên 30% so với năm 2022 (chiếm tỷ lệ 28,5%). Tổng tỷ trọng nhà bán hàng ghi nhận sự giảm sút doanh thu chiếm tới 60,99%. So sánh trong 5 năm vừa qua, năm 2023 lặp lại tình trạng sụt giảm doanh thu nghiêm trọng, chỉ xếp sau năm 2021 (cao điểm của dịch COVID-19 và giãn cách xã hội).
Các chủ cửa hàng cũng có xu hướng cắt giảm nhân viên, thể hiện ở tỷ lệ cửa hàng có dưới 5 nhân viên đã tăng lên (chiếm 69,64% đáp viên tham gia khảo sát). Đặc biệt là sự gia tăng của mô hình cửa hàng không có nhân viên, tức chủ cửa hàng tự vận hành (9,27%).
Điểm sáng lớn nhất của ngành bán lẻ năm 2023 là sự chuyển dịch sang mô hình kinh doanh bền vững hơn. Một số nhà bán hàng đã chuyển dịch từ mô hình cá nhân (không đăng ký kinh doanh) sang mô hình hộ kinh doanh cá thể hoặc công ty (giảm từ 35% năm 2022 còn 29% năm 2023).
Điểm sáng nữa là nhóm nhà bán hàng có doanh thu trung bình 2023 ở mức 500 triệu đồng - 1 tỷ đồng và trên 2 tỷ đã tăng 3% so với năm 2022. Tuy giá trị đơn hàng trung bình có dấu hiệu sụt giảm (phổ biến ở mức dưới 300.000 đồng/đơn), nhưng nhóm có doanh thu cao trong ngành bán lẻ lại tăng lên. Điều này cho thấy một số nhà bán hàng đã áp dụng thành công các chiến thuật mở rộng kinh doanh, bán thêm các sản phẩm mới và chuyển dịch sang tệp khách hàng có khả năng chi trả tốt hơn.
Xu hướng mở rộng bán hàng đa kênh vẫn được thể hiện rõ rệt. 55,4% nhà bán hàng đang kinh doanh trên ít nhất hai kênh - tại cửa hàng và một số kênh online. Sàn thương mại điện tử tiếp tục là kênh bán hàng online được sử dụng nhiều nhất trong ngành bán lẻ. Điểm nhấn đặc biệt trong năm 2023, các nhà bán hàng có xu hướng mở rộng thêm kênh TikTok Shop (tỷ lệ người kinh doanh bán chủ yếu trên kênh TikTok chiếm 5,9%, tăng nhẹ so với năm 2022).
Bán hàng đa kênh được xác định là “cứu cánh" trong tình hình kinh tế nhiều biến động, giá thuê mặt bằng tại các thành phố lớn đang có sự trồi sụt thất thường, sự siết chặt quy định trên các sàn thương mại điện tử lớn, sự thay đổi về thuật toán trên các mạng xã hội - ảnh hưởng đến quá trình tiếp thị, chào bán sản phẩm của ngành bán lẻ.
Các nhà bán hàng tập trung tối ưu chi phí, hầu hết chỉ sẵn sàng chi trả dưới 10% doanh thu cho marketing. Tuy được đánh giá là xu hướng chung trên toàn cầu, nhưng tiếp thị qua người nổi tiếng, người ảnh hưởng (KOL, Influencers) vẫn nhận nhiều sự dè dặt từ phía người kinh doanh trong ngành bán lẻ. Tỷ trọng chi phí marketing cho kênh này chỉ chiếm 5,24% - xếp sau cả hình thức tiếp thị truyền thống là SEO website.
Dấu ấn đáng ghi nhận nhất trong năm 2023 của hình thức thanh toán trong ngành bán lẻ là sự bùng nổ của chuyển khoản ngân hàng, bao gồm chuyển khoản bằng số tài khoản và chuyển khoản qua quét mã QR. Có tới 43,8% nhà bán hàng đang chấp nhận phương thức thanh toán qua chuyển khoản, trong đó 15,33% nhà bán hàng chuyển khoản qua hình thức quét mã QR.
Bước sang năm 2024, dự định phổ biến nhất của nhà bán hàng là mở rộng kênh bán (29,37%) lên các kênh mạng xã hội như Facebook, Zalo (27,07%). Trong ngành F&B, các chủ nhà hàng, quán cafe lại phần lớn lựa chọn việc đa dạng hoá mặt hàng kinh doanh (40,9%), với kênh bán hàng được lựa chọn mở rộng nhiều nhất là kênh mạng xã hội (33,3%) và thông qua các app Shopee Food (23,6%), GrabFood (12,4%) và GoFood (6,7%).