Theo khảo sát "Nhu cầu người tiêu dùng toàn cầu" do PwC công bố, tới tháng 6/2022, người tiêu dùng vẫn tiếp tục thích nghi với gián đoạn chuỗi cung ứng và lạm phát. Cuộc khảo sát có sự tham gia của 9.069 người tiêu dùng trên 25 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam.
Đối với những người tiêu dùng đang đối mặt với các vấn đề về chuỗi cung ứng, chẳng hạn như thiếu hụt sản phẩm hoặc vận chuyển bị trì hoãn, rất nhiều người nói họ không ngần ngại thay đổi hành vi mua sắm. Hơn một phần ba, 37% người tiêu dùng nói rằng họ sẽ đến các cửa hàng khác nhau để mua hàng hoặc chuyển sang mua sắm trực tuyến. Gần một phần ba, 29% người mua sắm trực tuyến nói rằng sẽ chuyển sang tìm sản phẩm ở cửa hàng bán lẻ và 40% sẽ sử dụng các trang web so sánh để kiểm tra sản phẩm sẵn có.
"Tình trạng bất ổn trên toàn cầu và các vấn đề chuỗi cung ứng đang khiến nhiều người tiêu dùng dành nhiều sự quan tâm hơn đối với thị trường trong nước. 8 trong 10 người được khảo sát bày tỏ ý định sẵn sàng trả giá cao hơn mức trung bình cho các sản phẩm địa phương hoặc nội địa", khảo sát của PcW tiết lộ.
Cho đến nay, phần lớn người tiêu dùng đang phải đối mặt với mức lạm phát cao hơn. Trên 75% dự kiến sẽ duy trì hoặc tăng mức chi tiêu hiện tại trên hầu hết các danh mục trong sáu tháng cuối năm 2022. Đặc biệt, 47% người được hỏi mong muốn chi tiêu nhiều hơn cho hàng nhu yếu phẩm. Một thông tin đáng chú ý cho tương lai mua sắm, có hơn một phần tư người tiêu dùng có kế hoạch giảm chi tiêu trong một số ngành hàng, bao gồm hàng xa xỉ/cao cấp (37%), ăn uống (34%), nghệ thuật, văn hóa và thể thao (30%) và thời trang (25%).
Nhìn chung, sự gia tăng giá của mặt hàng nhu yếu phẩm là vấn đề phổ biến nhất tác động đến trải nghiệm mua sắm, được dẫn chứng bởi số lượng người tiêu dùng mua sắm tại cửa hàng (65%) và trực tuyến (56%). Hơn một nửa số người tiêu dùng toàn cầu (57%) nói rằng họ hầu như luôn luôn hoặc thường xuyên gặp phải tình trạng giá hàng tạp hóa tăng cao. Số liệu này ở Mỹ và Canada là 69%, theo sau là Nam Phi (76%) và Brazil (74%) - các quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất về tình trạng lạm phát giá cả hàng hóa. Trong khi đó, tại Việt Nam, kết quả báo cáo trong mua sắm tại cửa hàng và trực tuyến cũng cao hơn một chút so với mức trung bình toàn cầu.
Các vấn đề về chuỗi cung ứng có ảnh hưởng đến trải nghiệm mua sắm trên toàn cầu, đáng chú ý nhất là việc không thể mua sản phẩm do hết hàng (43% trực tuyến và 37% tại cửa hàng). Người tiêu dùng cũng cho biết thời gian giao hàng lâu hơn đối với mua hàng trực tuyến (42%) và phải xếp hàng dài hơn do đông khách hơn ở các cửa hàng bán lẻ (36%). Sự gián đoạn chuỗi cung ứng cho thấy tác động lớn hơn đến người tiêu dùng Việt Nam so với mức trung bình toàn cầu với thời gian giao hàng lâu hơn cho 48% người mua sắm trực tuyến và 24% với mua sắm tại cửa hàng.
Phản hồi của người tiêu dùng Việt Nam trước sự gián đoạn chuỗi cung ứng và áp lực lạm phát
Một số con số khác của báo cáo:
- 50% mong muốn mua sắm trực tuyến nhiều hơn - tỉ lệ này cao nhất ở thế hệ Millennials nòng cốt (58%), thế hệ Millennials trẻ (57%) và thế hệ Z (57%). Trong khi đó, con số này thấp hơn ở thế hệ Baby Boomers (32%) và Gen X (42%). Có 39% số người được khảo sát mong đợi tiếp tục mua sắm trực tuyến ở mức hiện tại;
- 46% có kế hoạch nấu ăn nhiều hơn ở nhà;
- 41% sẽ thực hiện nhiều hoạt động giải trí/thư giãn ở nhà hơn;
- 41% sẽ mua sắm nhiều hơn từ các nhà bán lẻ cung cấp dịch vụ giao hàng/vận chuyển hiệu quả;
- 22% sẽ mua sắm ít hơn tại các cửa hàng; chỉ 33% sẽ tăng cường mua sắm tại cửa hàng.