Theo CNN, năm 1975 Việt Nam bước ra sau cuộc chiến tranh kéo dài 20 năm, tình hình kinh tế lúc này vẫn còn nhiều khó khăn. Trải qua quá trình nỗ lực phát triển kinh tế, đặc biệt là sau năm 1986, Việt Nam đã đạt được những thành tựu ấn tượng.
Nhiều người dân Việt Nam đã thoát nghèo trong giai đoạn từ 2002 – 2018 khi đất nước đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, du lịch và đặc biệt là viễn thông, công nghệ.
Nhờ biết cách vận dụng công nghệ vào sản xuất, bộ mặt kinh tế Việt Nam đã có những bước tiến đáng ghi nhận.
Cơ sở hạ tầng kỹ thuật được đầu tư phát triển khá hiện đại giúp người dân Việt Nam dễ dàng truy cập internet và cả nước bước vào thời kỳ số hóa.
Năm 2018, một bản báo cáo của Google và công ty đầu tư Singapore Temasek đã miêu tả nền kinh tế công nghệ của Việt Nam là “một con rồng đang bay cao” với sức tăng trưởng đáng kinh ngạc hơn 40% mỗi năm.
Điện thoại thông minh tại Việt Nam có giá rất cạnh tranh (ảnh: CNN)
Điều rõ ràng có thể thấy là công nghệ đang định hình lại cách người Việt Nam kinh doanh, sản xuất, giải trí, mua sắm và giao tiếp. Công nghệ được sử dụng trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống của người dân Việt Nam.
Một trong những công ty công nghệ năng động nhất Việt Nam – Appota, cho biết, họ đang có khoảng 40 triệu người dùng trên “hệ sinh thái kỹ thuật số” của mình.
Bà Nguyen Thuy Lien, người đại diện của Appota giới thiệu, công ty chủ yếu phát hành những trò chơi có bản quyền từ các nhà phát triển của Trung Quốc, kèm theo đó là các ứng dụng như chia sẻ mật khẩu wifi, đọc sách, xem tin tức, xem phim…
“Người Việt Nam ở mọi lứa tuổi đều yêu thích điện thoại thông minh. Mọi thứ Appota cung cấp đều có thể sử dụng trên điện thoại”, bà Lien cho biết.
Báo cáo năm 2019 của Google cho biết, Việt Nam là một trong những thị trường nổi bật trên thế giới với hơn 51 triệu chiếc điện thoại thông minh được sử dụng, chiếm tới 80% dân số từ 15 tuổi trở lên.
“Mạng lưới sóng di động phủ rộng khắp. Mọi người đều có thể truy cập internet với tốc độ 3G hoặc 4G ở cả khu vực nông thôn và miền núi”, bà Lien cho biết và nói thêm rằng các gói cước internet tại Việt Nam có giá rất cạnh tranh.
Theo bà Nguyen Thuy Lien, tầm nhìn của Appota trong tương lai sẽ là tích hợp đầy đủ các ứng dụng thông minh để người dùng có thể sử dụng từ nơi làm việc đến trong gia đình.
Ông Tran Ngoc Thai Son và sự phát triển của công ty Tiki (ảnh: CNN)
Một ví dụ khác cho sự ứng dụng công nghệ trong kinh doanh là mạng lưới mua hàng trực tuyến Tiki của Việt Nam.
Năm 2010, ông Tran Ngoc Thai Son đã ra mắt Tiki tại thành phố Hồ Chí Minh. Tiki bán các đầu sách cả tiếng Anh và tiếng Việt. Khi mới phát triển Tiki, ông Son đã sử dụng gara ô tô của gia đình làm nhà kho chứa sách.
“Đó là một gian hàng nhỏ, nhưng giấc mơ của tôi rất lớn”, ông Son chia sẻ.
Sau 10 năm phát triển, Tiki giờ đã là một trong những nền tảng thương mại điện tử hàng đầu tại Việt Nam. Theo ông Son, trung bình, Tiki có khoảng 17 triệu lượt khách ghé thăm và khoảng 4,5 triệu sản phẩm được bán ra mỗi tháng.
Sự phát triển của Tiki đi lên theo đà tăng trưởng bùng nổ của thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam với tổng giá trị 6,2 tỷ USD năm 2019.
“Điều này phản ảnh sự năng động và đời sống vật chất ngày càng phát triển của người dân Việt Nam”, ông Son nhận xét.
Việt Nam cũng đã có những thương hiệu công nghệ của riêng mình (ảnh: Bcsi)
“Ngoài ra, điện thoại thông minh và các gói truy cập internet cũng có giá cực kỳ phải chăng. Cuộc cạnh tranh giữa các tập đoàn quốc tế lớn với những doanh nghiệp trong nước cũng thúc đẩy sự đổi mới trong kinh doanh và lợi ích của người tiêu dùng”, ông Son nói thêm.
Hậu cần là chìa khóa thành công của Tiki. Tiki có 33 kho hàng tại 13 thành phố lớn của Việt Nam và tự hào rằng họ có thể cung cấp lựa chọn giao hàng trong vòng 2 tiếng đồng hồ cho khách hàng. Tuy nhiên, việc giao hàng đến những vùng xa thì sẽ có chi phí cao hơn.
Theo ông Son, một nửa số hàng giao vẫn được người mua thanh toán bằng tiền mặt. Ông muốn thấy việc thanh toán điện tử được ứng dụng rộng rãi hơn.
“Nếu người bán được trả tiền sớm hơn thì quá trình giao dịch cũng sẽ diễn ra nhanh hơn. Với việc thanh toán điện tử tăng 28%/năm như hiện nay tại Việt Nam, số lượng giao dịch điện tử sẽ chỉ có tăng”, ông Son nhận xét.