Theo Science Alert, "nhịp tim vũ trụ" này nhanh hơn nhịp tim người nhiều nhưng kiểu "đập tim" thì giống y hệt và rất đều đặn.
Nhà vật lý thiên văn Daniele Michilli từ Viện nghiên cứu Vật lý thiên văn và không gian MIT Kavli (thuộc Viện Công nghệ Massachusetts - MIT - Mỹ), một trong các tác giả đứng đầu nghiên cứu, cho biết đó là một chớp sóng vô tuyến (FBR) kéo dài khoảng 3 giây, có những cực đại tuần hoàn chính xác đến mức đáng kinh ngạc, phát ra "bùm, bùm, bùm" mỗi 0,2 giây.
Tín hiệu kỳ dị được thu bởi máy dò cực mạnh của CHIME vào tháng 12-2019, khiến các nhà khoa học rất bối rối và nỗ lực nghiên cứu cho đến nay.
Tín hiệu được đặt tên là FRB 20191221A, chưa rõ khoảng cách di chuyển là bao xa nhưng các nhà khoa học tin rằng nó phải đến từ một thiên hà khác. Bí ẩn thú vị nhất họ theo đuổi là vật thể đã phát ra nó.
"Không có nhiều thứ trong vũ trụ phát ra các tín hiệu vô tuyến tuần hoàn chuẩn xác. Các ví dụ mà chúng ta biết trong thiên hà của chúng ta là những sao xung vô tuyến và sao từ, chúng quay và tạo ra phát xạ chùm tương tự như một ngọn hải đăng" - tiến sĩ Michill giải thích.
Tờ Daily Mail trích dẫn nghiên cứu, cho biết khoảng thời gian dài 3 giây của chùm tín hiệu bí ẩn là một kỷ lục, vì gấp 1.000 lần so với mức trung bình.
Nghiên cứu sơ bộ về tín hiệu vô tuyến "như nhịp đập trái tim" này vừa được công bố trên tạp chí khoa học Nature.
Có rất nhiều giả thuyết quanh các chớp sóng vô tuyến: Do một sự kiện khốc liệt của vũ trụ như va chạm lỗ đen, sao neutron; do sao xung, sao từ hay một dạng vật thể cực đoan khác chưa được hiểu rõ; do một nền văn minh ngoài hành tinh tiến bộ hơn chúng ta...
Các dạng sao neutron cực đoan như sao xung hay sao từ thường là giả thuyết được chú trọng nhất, bởi chúng cực kỳ mạnh mẽ, đủ đế bắn sóng vô tuyến đi xa hàng ngàn, hàng triệu năm ánh sáng để đến được Trái Đất.
Sao neutron là phần "xác sống" cực mạnh và dày đặc của một ngôi sao khổng lồ đã cạn năng lượng và chết, mang năng lượng cực mạnh và là một trong những vật thể cực đoan nguy hiểm nhất vũ trụ.