Theo tờ Space, những bức ảnh mê hoặc được chụp ở Na Uy hôm 10-12 đang khiến các nhà thiên văn tranh cãi, bởi xuất hiện một thứ giống như cực quang nhưng không phải cực quang: Thay vì ánh sáng màu xanh lá, một cái gì đó màu hồng cam kỳ lạ đang nhảy múa trên bầu trời.
Nhiếp ảnh gia chuyên săn tìm cực quang Markus Varik, người đã có nhiều năm theo dõi thứ "ánh sáng phương Bắc" kỳ lạ này và là chủ nhân của nhiều bức hình chụp hiện tượng đêm 10-12, thừa nhận ông chưa từng thấy bất cứ thứ gì giống như vậy.
Các nhà khoa học cho rằng có một thứ khả dĩ nhất để giải thích cho cực quang lạ là một vụ phóng khối lượng đăng quang (CME) rất đặc biệt từ Mặt Trời. Đó là những quả cầu plasma bắn ra khi Mặt Trời giận dữ, thường tạo ra cực quang khi va chạm với từ quyển Trái Đất.
Tuy nhiên một điều kỳ lạ xảy ra: Họ đã tìm kiếm trong dữ liệu thời tiết không gian và không thấy bất kỳ vụ phóng CME nào gần đây.
Ánh sáng hồng cam cực hiếm gặp tuôn khắp bầu trời - Ảnh: Markus Varik
Các nhà khoa học từ Bảo tàng Hoàng gia Greenwich (Anh) chỉ ra một nguyên nhân khác, đó là một cơn gió vũ trụ - cũng từ Mặt Trời của chúng ta - mạnh bất thường và xâm nhập được sâu vào bầu khí quyển của Trái Đất, khoét sâu đến vị trí 100 km phía trên bề mặt hành tinh.
Khi đó, cơn gió sao hiểm hóc xé đôi từ quyển và khí quyển, tương tác với nitơ để tạo ra dòng suối ánh sáng hồng cam mê hoặc, thay vì tạo ánh sáng xanh do tương tác với oxy ở tầng cao hơn.
Điều này thực ra được suy ra gián tiếp từ một sự kiện hồi tháng 11, cực quang hồng xuất hiện sau khi một cơn bão địa từ - gây ra bởi những quả pháo sáng vũ trụ mà Mặt Trời bắn ra - xé toạc từ quyển và tạo đường cho gió sao chui sâu xuống bầu khí quyển.
Còn những gì đã thực sự xảy ra trong một hiện tượng có vẻ mang tầm vóc còn lớn hơn hôm 10-12 vẫn là một bí ẩn.