Theo tuyên bố mới của Viện SETI (Viện Tìm kiếm sinh vật thông minh ngoài hành tinh, trụ sở chính tại Mỹ), họ đã xác định được viên thiên thạch mang tên 2018 LA, đáp xuống sa mạc Kalahari của Botswana (một quốc gia ở Nam Phi), có thể có nguồn gốc từ Vesta - tiểu hành tinh lớn thứ 2 trong hệ Mặt Trời.
Viên đá ngoài hành tinh này được quan sát bởi kính thiên văn thuộc chương trình Khảo sát bầu trời Catalina của Đại học Arizona (Mỹ), trông như một đốm sáng lướt giữa các vì sao.
Theo Live Science, chỉ vài giờ sau đó nó đã bùng cháy thành một quả cầu lửa trên bầu trời Botswana, với khoảnh khắc ngoạn mục được ghi lại bởi kính thiên văn SkyMapper của Đại học Quốc gia Úc (AUN). Thiên thạch được đặt tên "Motopi Pan", theo tên một ao nước gần đó. 23 mảnh vỡ của nó đã được thu thập.
Nghiên cứu có sự tham gia của Viện SETI, Bảo tàng lịch sử tự nhiên quốc gia Mỹ, AUN... cho thấy nó giống với một thiên thạch từng rơi ở Thổ Nhĩ Kỳ, thuộc loại howardrite-eucrite-diogenite (HED), là loại thiên thạch chỉ có thể có nguồn gốc từ Vesta. Trong đó diogenite chứa các khoáng chất từ đá bị chôn vùi bên dưới bề mặt tiểu hành tinh này, howardrite là một loại đá pha trộn khi vật thể không gian khác va chạm với Vesta.
Tiến sĩ Christopher Onken từ AUN tiết lộ một kết quả còn đáng giá hơn: các vật liệu tạo nên Vesta và cả thiên thạch đáp xuống Trái Đất này đều có niên đại lên đến 4,5 tỉ năm tuổi, tức chúng chính là một vật liệu "vượt thời gian" từ hệ Mặt Trời sơ khai.
Điều đó biến các mảnh thiên thạch trở thành báu vật vô giá. Bởi lẽ các cơ quan hàng không vũ trụ khắp thế giới đã chi hàng trăm triệu USD cho các sứ mệnh không gian tiếp cận những tiểu hành tinh cổ đại, nhằm có được vài viên đá từ "bình minh của hệ Mặt Trời", với hy vọng hiểu thêm về cách Thái Dương hệ và các hành tinh – bao gồm Trái Đất - được hình thành. Nổi tiếng nhất là sứ mệnh OSIRIS-REx của NASA, tiêu tốn khoảng 800 triệu USD.