Một nhóm nghiên cứu đa quốc gia đã bắt được SGR 1935 + 2154, một chớp sóng vô tuyến (FRB) bí ẩn được cho là đến từ một vật thể ma quái nằm cùng thiên hà Milky Way của trái đất: một ngôi sao khổng lồ đã chết.
Theo tiến sĩ Shrinivas Kulkarni từ Viện Công nghệ California (Mỹ), thành viên nhóm nghiên cứu, với khoảng cách 30.000 năm ánh sáng, đây là chớp sóng vô tuyến có điểm xuất phát gần nhất từng được loài người bắt được. Nó cũng sẽ giúp xác định rõ hơn cái gì đã tạo ra chớp sóng vô tuyến.
Tín hiệu SGR 1935 + 2154 này đã được ghi lại đồng loạt bởi nhiều đài quát sát và vệ tinh khắp thế giới. Nơi phát ra nó là một vật thể hết sức đặc biệt: một "sao nam châm". Sao nam châm là một dạng sao neutron cực mạnh, có thể coi như xác chết của một ngôi sao cực kỳ lớn sau vụ nổ siêu tân tinh. Sao nam châm mạnh hơn các sao neutron bình thường đến 1.000 lần và phát ra từ trường cực khủng khiếp. Đó có thể là lý do một hành tinh xa xôi như trái đất có thể bắt được chớp sóng vô tuyến từ từ trường mà ngôi sao này đang giải phóng.
Nhà vật lý thiên văn Sandro Mereghetti thuộc Viện Vật lý thiên văn Quốc gia Ý, một thành viên khác của nhóm nghiên cứu cho biết chớp sóng vô tuyến lần này không đặc biệt mạnh hay bất thường, nhưng có thể cho thấy có rất nhiều dạng chớp sóng vô tuyến hơn so với những gì chúng ta có thể phát hiện.
Trước đây, trái đất từng bắt được nhiều chớp sóng vô tuyến, nhưng đều đến từ các thiên hà khác. Chớp sóng vô tuyến là nguồn năng lượng cực mạnh từ không gian sâu thẳm, có thể vượt hàng triệu năm ánh sáng. Có nguồn được xác định mạnh hơn 500 triệu mặt trời cộng lại. Chớp sóng vô tuyến đến từ đâu vẫn là bí ẩn lớn. Có nhiều giả thuyết: là một vụ nổ sao neutron, va chạm lỗ đen, từ một nền văn minh ngoài hành tinh…