Theo thông cáo của Bộ Tư pháp Mỹ, Ericsson đã “thừa nhận chiến dịch tham nhũng kéo dài nhiều năm ở 5 quốc gia (bao gồm Trung Quốc, Djibouti, Indonesia, Kuwait và Việt Nam), nhằm củng cố vị thế của công ty trong lĩnh vực viễn thông” và đã có thỏa thuận hoãn truy tố, liên quan tới các cáo buộc hình sự nộp lên một tòa án ở New York.
Trên website của hãng lúc 23h45’ ngày 6-12-2019 (theo giờ địa phương), Ericsson đã tuyên bố xác nhận về thông tin trên của Bộ Tư pháp Mỹ. Hồi tháng 9, công ty cho biết đã dành ra 1,2 tỷ USD để chi trả cho khả năng bị phạt từ cuộc điều tra ở Mỹ.
Thỏa thuận dàn xếp trên được cho là thỏa thuận có giá trị cao nhất từ trước đến nay đối với vi phạm luật Chống Hành vi Tham nhũng ở Nước ngoài (FCPA) của Mỹ. Khoản tiền trong thỏa thuận bao gồm 520 triệu USD tiền phạt hình sự, nộp cho Bộ Tư pháp Mỹ, và 540 triệu USD (bao gồm cả tiền lãi) nộp cho Ủy ban Chứng khoán (SEC).
Bộ Tư pháp Mỹ cho biết Ericsson đã trả tiền phạt để “dàn xếp cuộc điều tra các hành vi vi phạm luật Chống Hành vi Tham nhũng ở Nước ngoài (FCPA)... chuyển tiền và khai khống hàng chục triệu USD một cách bất chính trên khắp thế giới”.
Công tố viên liên bang ở khu vực Nam New York Georffrey Berman cho biết, Ericsson thực hiện kinh doanh viễn thông với nguyên tắc chủ đạo là “đồng tiền biết nói” thông qua các quỹ đen, tiền hối lộ và quà tặng.
Bộ Tư pháp Mỹ cho hay, Ericsson đã “nhúng chàm” từ năm 2000 và kéo dài tới năm 2016.