Bị chê mặt già hốc hác, triệu phú Bryan Johnson tiêm mỡ lên mặt, khiến mặt bị sưng vù
Bryan Johnson, triệu phú công nghệ nổi tiếng người Mỹ, gần đây đã đăng tải một bức ảnh tự sướng gây sốc trên mạng xã hội.
Trong ảnh, khuôn mặt của anh bị sưng vù và biến dạng hoàn toàn, đến nỗi, không ai còn có thể nhận ra đó là Bryan Johnson nữa, nếu không nhìn vào tài khoản Instagram chính chủ của anh ấy.
"Này, để bạn không hoảng hốt thì, hôm nay, bạn có thể không nhận ra tôi nữa" , Johnson viết, thừa nhận mình đã bị dị ứng nghiêm trọng sau một thử nghiệm liệu pháp trẻ hóa thất bại.
Bryan Johnson trước và sau liệu pháp "tiêm ma trận ngoại bào có nguồn gốc từ tế bào mỡ" (kéo ảnh qua bên trái, bên phải để xem sự khác biệt).
Bryan Johnson được biết đến trong giới công nghệ từ năm 2013, sau khi anh bán công ty khởi nghiệp Braintree của mình cho PayPal, thu về hơn 800 triệu USD tương đương 20.000 tỷ VNĐ và trở thành triệu phú ở tuổi 36.
Nhưng phải tới vài năm trở lại đây, cái tên Bryan Johnson mới trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới, sau khi anh công bố một dự án gọi là Blueprint, thử nghiệm mọi phương pháp có thể để chống lại tuổi tác, đảo ngược quá trình lão hóa và kéo dài tuổi thọ cho đến năm 200 tuổi.
Để làm được điều đó, Johnson đã uống hơn 100 loại thuốc bổ mỗi ngày, ăn uống và tập luyện, ngủ nghỉ theo một chế độ cá nhân hóa, được cố vấn bởi một đội ngũ 30 bác sĩ và chuyên gia y tế mà anh thuê riêng.
Johnson tuyên bố mình đã chi 2 triệu USD mỗi năm, cho nhiều liệu pháp trẻ hóa tiên phong mà chỉ những người siêu giàu mới có thể tiếp cận được. Đa phần các liệu pháp đó vẫn còn đang trong quá trình nghiên cứu sớm trong phòng thí nghiệm, do đó, không thể tránh khỏi các sự cố ngoài ý muốn.
"Khi tôi xuất hiện trước công chúng, mọi người nhìn tôi như một người sắp chết"
Khuôn mặt sưng vù của Johnson lần này chính là hậu quả của liệu pháp mới nhất mà anh đang thử nghiệm. Tên gọi của nó là "tiêm ma trận ngoại bào có nguồn gốc từ tế bào mỡ".
Phương pháp này liên quan đến việc hút mỡ, tách ra các ma trận ngoại bào dạng lưới, thứ đang kết nối không gian giữa các tế bào mỡ với nhau, rồi tiêm thẳng vào dưới lớp biểu bì để khiến làn da trở nên căng tràn hơn.
" Khi còn trẻ, chúng ta có rất nhiều mỡ trên mặt, nhưng mỡ sẽ mất đi theo thời gian. Sau năm 20 tuổi, cứ mỗi năm, bạn sẽ mất đi 1% colllagen trên mặt (một loại chất béo khiến da mặt của bạn căng tràn và đầy sức sống). Nghĩa là đến năm 80 tuổi, bạn sẽ mất tới 75% lượng mỡ trên mặt mà bạn có ở tuổi 20% ", Johnson giải thích.
Hệ quả của việc bị mất mỡ trên mặt là da bạn sẽ chùng xuống, xuất hiện các nếp nhăn. Sau đó, càng già thì toàn bộ khuôn mặt của bạn sẽ càng trở nên hốc hác, hai bên má hõm lại, hốc mắt rút sâu xuống, trông không còn sức sống.
Đối với Bryan Johnson – người đang thử nghiệm nhiều liệu trình trẻ hóa, trớ trêu thay quá trình mất mỡ mặt còn xảy ra nhanh hơn, bởi anh đang tuân thủ một chế độ ăn giảm calo, được chứng minh có thể giúp duy trì tuổi thọ.
Trong suốt 4 năm qua, Johnson đã hạn chế mức calo nạp vào của mình từ 2.500 kcal xuống 1.950 kcal. Chế độ ăn này đã giúp anh duy trì chỉ số BMI và giữ cho cơ thể hoàn toàn săn chắc, đến nỗi không có mỡ thừa ở bất kỳ bộ phận cơ thể hay nội tạng nào.
Thế nhưng, nó cũng đồng nghĩa với lượng mỡ trên khuôn mặt của Johnson bị suy giảm nhanh hơn tốc độ lão hóa vốn có của nó. Vị triệu phú 47 tuổi đang "trẻ hóa", vì vậy, lại sở hữu khuôn mặt hốc hác, già nua hơn mức tuổi sinh học 37 mà anh đang tuyên bố.
Một số người thậm chí còn so sánh khuôn mặt của Johnson với Thượng Cổ Tôn Giả (Ancient One) trong phim Doctor Strange, ám chỉ anh ấy trông như một người đã ngoài 700 tuổi.
"Khi tôi xuất hiện trước công chúng, mọi người thường nhìn tôi như thể một người sắp chết", Johnson thừa nhận.
Đặt mục tiêu trẻ hóa khuôn mặt về năm 18 tuổi
Việc bị so sánh với Thượng Cổ Tôn Giả đã tác động rất lớn vào nhận thức của Bryan Johnson cùng đội ngũ trong dự án trẻ hóa Blueprint của anh.
"Có một khoảng cách giữa những thành công mà chúng tôi đạt được với nhận thức của công chúng về điều đó ", Johnson cho biết. " Gần đây, chúng tôi mới phát hiện ra rằng, mỡ mặt khá quan trọng đối với cách mọi người nhìn nhận về tuổi trẻ. Không quan trọng các chỉ số sinh học của tôi tốt đến mức nào nếu tôi không có mỡ mặt. Mọi người vẫn sẽ nhìn tôi và nói anh chàng này trông thật già".
Do đó, Johnson đã khởi động riêng một dự án gọi là "Project Baby Face" nhằm trẻ hóa lại riêng phần khuôn mặt của mình, tuyên bố anh sẽ làm mọi cách có thể để lấy lại một khuôn mặt "trẻ thơ" như năm 18 tuối.
Nỗ lực của Johnson bắt đầu bằng một phương pháp đơn giản, tiêm chất làm đầy (filler) có tên gọi là Sculptra vào các vùng thái dương, hai bên hõm má và xung quanh miệng.
Chất làm đầy Sculptra có tác dụng bù trám vào các nếp nhăn và hõm mặt, đồng thời kích thích collagen sản sinh giúp khuôn mặt Johnson trở nên đầy đặn và căng tràn hơn. Mặc dù vậy, anh vẫn không hài lòng với kết quả.
Johnson đã tăng gấp đôi liều filler mà các bác sĩ khuyến cáo, từ 1 lên 2 liều mỗi năm, nhưng vẫn muốn thúc đẩy quá trình trẻ hóa nhanh hơn nữa. Vì vậy, anh đã chuyển sang một liệu pháp mới "nặng đô" và mạo hiểm hơn.
Nó được gọi là Renuva, một phương pháp "tiêm ma trận ngoại bào có nguồn gốc từ tế bào mỡ".
Ma trận ngoại bào là những mạng lưới collagen, protein và yếu tố tăng trưởng. Chúng nằm ở giữa không gian của các tế bào, làm nhiệm vụ kết nối tế bào thành khối mô như một chiếc giàn giáo, hỗ trợ sự phát triển mạch máu. Nếu không có ma trận ngoại bào, toàn bộ các tế bào trên cơ thể bạn sẽ sụp đổ như những khối domino rời rạc.
Khác với tiêm chất làm đầy (filler), tiêm ma trận ngoại bào vào các khoảng hõm và nếp nhăn trên khuôn mặt sẽ có tác dụng tự kích thích cơ thể sản sinh ra tế bào mỡ để bù đắp vào đó.
Nếu như các chất làm đầy như Sculptra có thể tan hết sau 1 năm và khiến bạn phải tiêm lại, thì các tế bào mỡ sau khi đã hình thành trên ma trận ngoại bào sẽ ở lại vị trí tiêm vĩnh viễn.
Do đó, đây là một phương pháp được cho là có hiệu quả và tiên tiến hơn.
Nhưng nó cũng mạo hiểm hơn
Bởi để có thể thu được ma trận ngoại bào, bạn cần rút mỡ ra khỏi cơ thể và tách lấy lớp giàn giáo của nó. Đối với người bình thường, mỡ này có thể được rút từ đùi, mông hoặc hông của chính họ, để tiêm trở lại các ma trận ngoại bào của chính họ.
Điều này sẽ làm giảm thiểu khả năng các ma trận ngoại bào không tương thích với cơ thể.
Tuy nhiên, với riêng Johnson, việc sử dụng tế bào mỡ tự thân lại là điều bất khả. Như đã nói, chế độ ăn giảm calo đã khiến chỉ số BMI của vị triệu phú giảm xuống mức tối thiểu, cơ thể anh ấy toàn là nạc chứ không có mỡ thừa.
"Bạn có thể sử dụng tế bào mỡ của chính mình cho mục đích này, nhưng vấn đề là tôi không có đủ mỡ trên cơ thể để hút ra nữa. Vì vậy, tôi đã phải sử dụng mỡ của người khác", Johnson cho biết.
Việc sử dụng mỡ của người hiến tặng đưa đến một khả năng, các ma trận ngoại bào có thể không tương thích với cơ thể Johnson. Nó có thể kích thích các phản ứng đào thải mạnh, bao gồm cả phản ứng dị ứng và sốc phản vệ, nguy hiểm đến tính mạng.
Và điều đó đã thực sự xảy ra với Johnson. Chỉ 30 phút sau khi tiêm, khuôn mặt anh đã sưng vù lên. "Tình trạng ngày càng tệ hơn, tệ hơn và tệ hơn cho đến khi tôi thậm chí chẳng còn nhìn thấy gì nữa", Johnson cho biết.
Ngày hôm đó, vị triệu phú có lịch hẹn với một phóng viên của tờ Bloomberg. Tuy nhiên, anh đã phải rào trước về tình trạng khuôn mặt mình và hỏi liệu vị phóng viên kia có từng được đào tạo về cấp cứu trong trường hợp khẩn cấp không?
Johnson lo lắng rằng mình có thể bị sốc phản vệ.
Sốc phản vệ là một hội chứng ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trên cơ thể cùng lúc, có thể đe dọa tới tính mạng và thường xảy ra sau một phản ứng dị ứng nặng.
Triệu chứng dạng nhẹ bao gồm ngứa, phát ban, nổi mề đay, phù mạch, sưng cơ thể, sưng môi, buồn nôn hoặc nôn. Triệu chứng dạng nặng bao gồm sưng lưỡi, khó nuốt, khó thở, co thắt đường thở, cảm thấy muốn ngất đi hoặc bất tỉnh.
Trong trường hợp Johnson bị sốc phản vệ, anh sẽ cần tiêm Epinephrine ngay lập tức để bảo toàn tính mạng. Nhưng rất may, phản ứng dị ứng với ma trận ngoại bào của Johnson chỉ dừng lại ở mức làm cho khuôn mặt bị sưng tấy.
Tại sao không đơn giản là: Ăn nhiều hơn để béo lên?
Johnson cho biết khuôn mặt của anh đã sưng suốt 7 ngày sau liệu pháp Renuva.
"Phản ứng dị ứng nghiêm trọng này đã khiến tôi và đội ngũ của tôi không thể tiếp tục tiến hành phương pháp này được nữa. Cũng thật đáng tiếc, bởi đó là một công nghệ hứa hẹn mà chúng tôi đã rất trông đợi" , anh nói.
Thế nhưng, Johnson không bỏ cuộc.
Ngay sau sự thất bại của tiêm ma trận ngoại bào Renuva, đội ngũ bác sĩ của dự án đã thận trọng hơn. Họ tư vấn anh nên quay trở lại với một "liệu pháp" đơn giản là: Ăn nhiều hơn để béo lên.
Chỉ bằng cách tăng lượng calo từ 1.950 kcal/ngày lên 2.250 kcal/ngày, Johnson đã có thể bắt đầu tăng mỡ trong cơ thể. Anh đã béo lên 7 kg nhờ chế độ ăn này, vẫn duy trì được các chỉ số "trẻ hóa" mà mình đạt được trong cơ thể, mà vẫn tăng được mỡ trên khuôn mặt.
" Hóa ra bạn không cần phải hạn chế calo đến ngưỡng 1.950 để đạt được các chỉ số sinh học tối ưu cho việc trẻ hóa ", Johnson thừa nhận. Việc tăng calo lên một chút không những khiến anh lấy lại được mỡ mặt và sự trẻ trung của mình, mà còn có thể "sống thoải mái hơn" khi không phải chịu đựng những cơn đói "đến đau đớn" mỗi ngày từ chế độ ăn hạn chế calo xuống 1.950.
" Chúng ta mới chỉ đang ở trong những ngày đầu sơ khai của chuyên ngành chống lão hóa. Nên những thử nghiệm như của tôi rất thú vị. Chúng sẽ cung cấp những dữ liệu quan trọng cho phép đánh giá lại các liệu pháp giúp kéo dài tuổi thọ và sức khỏe" , Johnson nói.
Một cuộc chơi của giới siêu giàu
"Chuyên ngành chống lão hóa" mà Johnson đề cập đến là một lĩnh vực khoa học thực thụ, trong đó, hàng ngàn nhà khoa học trên khắp thế giới đang nghiên cứu hàng trăm liệu pháp, từ phẫu thuật thẩm mỹ cho đến tái lập trình và tiêm tế bào gốc tự thân để giúp con người bảo tồn được thanh xuân của mình, từ vẻ bề ngoài đến tận sâu bên trong từng tế bào.
Không quá ngạc nhiên khi lĩnh vực khoa học mới nổi này thu hút được sự quan tâm của rất nhiều tỷ phú, tầng lớp những người giàu có và nổi tiếng. Ví dụ như vào năm 2022, tỷ phú Jeff Bezos đã đầu tư vào một start-up có tên là Altos Labs với sứ mệnh nghiên cứu và phát triển một loại thuốc đảo ngược lại quá trình lão hóa cho con người.
Tham gia vào lĩnh vực này còn có một loạt tên tuổi lớn như hai tỷ phú gốc Nga Yuri Milner và Amitry Itskov, đồng sáng lập Paypal Peter Thiel, bộ đôi Sergey Brin và Larry Page nhà Google và Larry Ellison tới từ Oracle…
Một số người ít nổi tiếng hơn như vận động viên bóng rổ nhà nghề LeBron James, được cho là cũng chi 1,5 triệu USD mỗi năm cho các liệu pháp chống lão hóa. Tay vợt Novak Djokovic thường sử dụng buồng áp suất dương có giá 75.000 USD để đẩy nhiều oxy vào máu của mình hơn, với hi vọng giữ được phong độ ở tuổi 37, trước khi giải nghệ vào năm nay.
Và Tom Brady, một vận động viên bóng bầu dục người Mỹ cũng là một tín đồ của các loại thực phẩm chức năng, chương trình dinh dưỡng và tập luyện trẻ hóa.
Trong khi có một số ít phương pháp trẻ hóa cơ thể được chứng minh là có tác dụng hạn chế, một số công ty khởi nghiệp đã đẩy chúng tới giới hạn nguy hiểm, khi bắt đầu kinh doanh các liệu pháp được hứa hẹn sẽ giúp trường sinh bất tử này.
Chẳng hạn như Ambrosia, một công ty khởi nghiệp ở California đã cung cấp các liệu trình "truyền máu trẻ hóa", lấy máu của người trẻ truyền sang cho người già với hi vọng đảo ngược được quá trình lão hóa.
Năm 2017, họ đã thu hút được hơn 600 người đăng ký, rất nhiều trong số đó là những doanh nhân còn khá trẻ đến từ Thung lũng Silicon, và tính phí 8.000 USD/1 lít máu được truyền vào.
Chưa đầy 1 năm sau, Dipnarine Maharaj, một bác sĩ ở Florida cũng tổ chức một cuộc thử nghiệm tương tự. Với hướng tiếp cận khác Ambrosia, Maharaj đã tính phí một lần cho mỗi người tham gia lên tới 285.000 USD, tương đương hơn 6 tỷ VNĐ cho một liệu trình truyền máu từ người trẻ.
Bản thân Bryan Johnson vào năm ngoái cũng đã thử nghiệm phương pháp này khi anh đã thuyết phục cậu con trai 17 tuổi của mình hiến huyết tương để truyền sang cho mình, với tần suất hàng lít mỗi tháng.
Johnson sau đó lại lấy máu của chính mình để hiến lại cho cha ruột, người hiện đã ngoài 70 tuổi, với hi vọng giúp ông ấy trẻ ra. Mặc dù vậy, Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cho biết, các liệu pháp truyền máu như của Johnson không hề có cơ sở khoa học và không có tác dụng.
Giống với FDA, Johnson cũng thừa nhận phương pháp truyền máu trẻ hóa này không có tác dụng, nhưng chỉ là sau khi chính anh đã cố tình tự mình thử nghiệm nó để kiếm chứng với đội ngũ Blueprint, gồm 30 bác sĩ riêng của mình.
Mặc dù vậy, chúng ta vẫn biết Johnson sẽ không bao giờ bỏ cuộc. Anh ấy vẫn đang liên tục tìm kiếm và tự thử nghiệm các phương pháp trẻ hóa mới, thậm chí đến mức phải đối mặt với phản ứng dị ứng nghiêm trọng, sốc phản vệ và đe dọa tính mạng như việc tiêm ma trận ngoại bào mới đây.
Trong thời gian tới, có lẽ bạn sẽ còn thấy cái tên Bryan Johnson xuất hiện nhiều hơn bởi tuần trước, anh ấy vừa đăng một bức ảnh đứng cạnh Robert F. Kennedy Jr, người sắp được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Là cháu trai của cố Tổng thống John F. Kennedy, Robert F. Kennedy được cho là người đồng chí (đến mất trí) của Johnson, người có thể mở đường cho các phương pháp trẻ hóa mới được cấp phép, khi ông tiếp quản Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA).
Trong bức ảnh chụp cùng Kennedy, Johnson viết một caption đơn giản" MAHA ". Nó có nghĩa là " Make America Healthy Again" - "khiến cho nước Mỹ khỏe mạnh trở lại".