Hiện tại, hàng loạt các trung tâm điện máy và hệ thống bán lẻ đang tung ra nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn với những ưu đãi lớn dịp Black Friday và Ngày lễ độc thân 11/11. Thậm chí, nhiều cửa hàng còn hạ giá hàng hoá xuống tới 60%.
Bên cạnh các sản phẩm có chất lượng tốt, không ít mặt hàng là hàng lỗi, kém chất lượng hoặc hàng giả, hàng nhái. Do đó, các khách hàng cần trở thành nhà tiêu dùng thông thái để chọn ra những deal “chất”.
Dưới đây là một số lưu ý khi săn “sale” hàng điện tử giá rẻ cuối năm, người tiêu dùng nên xem xét.
1. Phân biệt khuyến mại ảo và khuyến mại thật
Để làm được điều này, các khách hàng cần thực hiện so sánh mặt hàng điện tử mình cần mua giữa các cửa hàng. Nhiều hệ thống bán lẻ treo mức giảm giá lên tới 50- 60% nhưng thực tế giá bán vẫn tương đương hoặc cao hơn so với mức giá không giảm của các cửa hàng khác. Vì thế, khách hàng không nên bị số % giảm giá đánh lừa thị giác.
Ảnh minh hoạ.
Đa số các mặt hàng giảm giá mạnh thường là hàng trưng bày, hàng đã lỗi thời hoặc sản xuất quá lâu. Do đó, trước khi đặt hàng, hãy kiểm tra xem mặt hàng mình cần mua có nguồn gốc từ đâu, sản xuất vào năm nào,…so sánh giá tại các trang thương mại điện tử khác.
2. Xem xét đánh giá từ các khách hàng trước
Đa số các mặt hàng điện tử đều có giá khá cao ngay cả khi đã được giảm giá. Do đó, khách hàng có thể khảo sát sự uy tín của cửa hàng bằng cách xem đánh giá của người mua cũ.
Ngoài ra, với những sản phẩm đắt đỏ, người tiêu dùng nên tham gia những nhóm chia sẻ kinh nghiệm mua hàng/ đánh giá sản phẩm và nhờ cộng đồng người mua tư vấn về sản phẩm cũng mức giá hợp lý cho sản phẩm đó.
3. Mua hàng ở các cửa hàng chính hãng, uỷ quyền
Rõ ràng, việc mua hàng điện tử ở các đại lý chính hãng hoặc được uỷ quyền sẽ đảm bảo chất lượng hàng hoá tốt hơn, được xuất hoá đơn khi mua hàng. Không chỉ vậy, các chính sách đổi trả cũng như dịch vụ hậu mãi của những cửa hàng này sẽ tốt hơn so với các cửa hàng nhỏ lẻ dù có giá bán cao hơn.
4. Kiểm tra hàng sau khi thanh toán online
Việc mua hàng online rất dễ gặp phải tình trạng hàng giao không đúng chất lượng như quảng cáo. Chính vì thế, người tiêu dùng hãy yêu cầu được phép kiểm tra hàng khi mua hàng điện tử online. Việc kiểm tra hàng thật kỹ để kịp thời phát hiện ra vấn đề và có thể đổi trả khi phát hiện lỗi.
5. Kiểm tra chính sách đổi – trả hàng
Mỗi trang thương mại điện tử/ cửa hàng online đều có những chính sách đổi - trả khác nhau. Do đó, khi mua hàng trực tuyến, khách hàng cũng cần phải hiểu các quy tắc giao dịch của trang web/ cửa hàng, đọc kỹ các điều khoản liên quan, hiểu quy trình trả hàng và phương thức xử lý để tránh những rắc rối không đáng có.
6. Có kế hoạch chi tiêu khi mua sắm
Thực tế, nhiều trang thương mại điện tử thường xuyên tung các chương trình ưu đãi mỗi tháng, không chỉ dịp cuối năm. Do đó, người tiêu dùng hoàn toàn có thể tuỳ ý mua sắm hàng điện tử khi có nhu cầu hoặc khi có tài chính dư giả.
Ảnh minh hoạ.
Nhiều trang web/ shop online thường tặng kèm mã voucher giảm giá/ ưu đãi tặng quà cho khách hàng. Thực chất, đây là cách các cửa hàng “câu khách” mua sắm cho lần sau, khiến khách hàng chi tiêu nhiều hơn. Người tiêu dùng thông thái nên có kế hoạch chi tiêu khi mua sắm, tránh để thâm hụt vào các khoản chi phí thiết yếu khác.