Tờ The Wired cho biết mỗi lần một sản phẩm iPhone mới được ra mắt là một nhóm kỹ thuật viên tại Toulouse-Pháp lại bắt đầu tháo chúng ra để nghiên cứu trong suốt 3 năm qua.
Kết luận của dự án này cho thấy Apple đang biến những chiếc iPhone của họ thành những pháo đài bất khả xâm phạm cho việc sửa chữa, khiến người dùng thà mua mới còn hơn tốn tiền thay thế linh kiện.
Những chiếc iPhone ngày nay được lắp ráp bằng các linh kiện không thể thay thế hoặc chỉ có thể sửa chữa tại các cửa hàng chính hãng do Apple chỉ định. Đương nhiên, những người Pháp chẳng thích điều này.
CEO Alexandre Isaac của The Repair Academy cho biết câu chuyện Apple cố tình khiến iPhone trở nên khó sửa chữa đang ngày một nghiêm trọng hơn. Mỗi khi một sản phẩm mới được ra mắt là các nhóm nghiên cứu lại phát hiện một linh kiện, thiết bị trong iPhone bị khóa để chỉ có thể thay thế-sửa chữa bởi cửa hàng chỉ định của Apple.
Đầu tiên chỉ là phần chip bán dẫn trên bảng mạch, giờ đây thì cả đống linh kiện từ thiết bị nhận diện khuôn mặt, vân tay và thậm chí cả đến màn hình, pin cho đến camera.
Bằng việc ép người dùng phải trả khoản tiền cực lớn cho việc thay thế, sửa chữa điện thoại, thậm chí còn lớn hơn số tiền mua mới, Apple đang gián tiếp ép khách hàng phải mua mới sản phẩm của họ và vứt bỏ những thiết bị cũ dù chúng vẫn có thể dùng tốt nếu được sửa chữa.
Nhiều nghiên cứu cho thấy những cửa hàng sửa chữa được chỉ định của Apple thu phí cao gấp đôi so với những nơi khác, qua đó đem về nguồn lợi gián tiếp cho nhà táo khuyết, đồng thời tạo áp lực lên những người mua.
“Rất nhiều người lầm tưởng Apple là một công ty thân thiện với môi trường nhưng thực tế thì khác, họ đang khiến người dùng buộc phải vứt bỏ thiết bị nhiều hơn, qua đó gây ô nhiễm hơn bất cứ hãng điện thoại di động nào khác trên thế giới”, CEO Isaac cáo buộc.
Người Pháp nóng mắt
Trên thực tế, câu chuyện Apple thu phí cao cho việc sửa chữa không có gì mới nhưng phải đến gần đây, chính phủ Pháp mới là nước đi tiên phong trong việc ép nhà táo khuyết ngừng chiêu trò độc quyền này lại.
Ngày 15/5 vừa qua, các công tố viên Pháp đã tuyên bố sẽ tiến hành cuộc điều tra việc Apple đang tiến hành mô hình kinh doanh lỗi thời có tính toán (A Business Model of Planned Obsolescence), thuật ngữ ám chỉ việc công ty cố tình thiết kế sản phẩm theo hướng rút ngắn tuổi thọ, vòng đời để có thể bán nhiều hàng mới hơn.
Các công tố viên đã đệ trình đơn cáo buộc lên Cục cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng và phòng chống gian lận Pháp (DGCCRF). Nếu thành công, một án phạt cực nặng sẽ được ban hành với Apple khi các công tố viên chứng minh được nhà táo khuyết đã vi phạm các quy định chống độc quyền và ảnh hưởng đến lợi ích người tiêu dùng tại Pháp.
Tờ The Wired cho biết trong nhiều năm, Pháp đã là nước đi đầu trong việc ủng hộ quyền sửa chữa các sản phẩm khi ban hành hệ thống điểm đánh giá khả năng sửa chữa của các sản phẩm, một hệ thống hoàn toàn mới tại Châu Âu. Tuy nhiên cho đến tận những năm gần đây thì chính quyền Paris mới bắt đầu nhắm đến Apple khi ý thức về môi trường và nỗi bất bình của người dân về sự độc quyền trong hệ sinh thái iPhone lên cao.
“Pháp đang thúc đẩy quyền tự do sửa chữa điện thoại ở một mức độ mà chưa một quốc gia nào làm được. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử chúng tôi thấy một chính phủ đưa vấn đề mô hình kinh doanh lỗi thời có tính toán thông qua khả năng sửa chữa sản phẩm lên mức độ cấp quốc gia như vậy”, giám đốc Elizabeth Chamberlain của iFixit phải thốt lên.
Sự méo mó của độc quyền
Apple đánh dấu số seri linh kiện và kết nối chúng với số seri của iPhone khiến chiếc điện thoại này tự động nhận diện khi màn hình, pin hay bất kỳ linh kiện nào có số seri lạ được lắp vào trong đó. Một ví dụ điển hình là đổi màn hình của 2 chiếc iphone đang hoạt động tốt cho nhau và kết quả là hoặc máy không chạy, hoặc có chạy nhưng người dùng sẽ bị ngập trong những cảnh báo của iPhone vì màn hình không hợp lệ.
Chính sách này khiến chỉ có những cửa hàng sửa chữa được Apple chỉ định thay thế được linh kiện khi tinh chỉnh được số seri. Thế nhưng biện pháp độc quyền này lại đang khiến cho 5,3 tỷ chiếc điện thoại bị vứt ra ngoài môi trường năm 2022 theo thống kê của tổ chức phi lợi nhuận The WEEE Forum tại Bỉ.
Tuy nhiên, việc đánh số seri chống sửa chữa này của Apple lại vi phạm quy định của Pháp được ban hành vào năm 2021 khi yêu cầu các nhà sản xuất phải cho phép người dùng sửa chữa vô điều kiện tại bất kỳ cửa hàng nào.
“Nếu Apple muốn bán hàng cho người Pháp thì phải tuân thủ luật pháp ở đây. Nếu không họ sẽ phải chịu phạt”, giám đốc Laetitia Vasseur của chiến dịch chống mô hình kinh doanh lạc hậu có tính toán của Apple mang tên “Stop Obsolescence” nói.
Trước đó, Apple đã bị Pháp phạt 25 triệu Euro, tương đương 27 triệu USD vào năm 2017 khi bê bối cập nhật phần mềm hoạt động iOS trên iPhone làm chậm các đời điện thoại cũ không được nhà táo khuyết thông báo với khách hàng bị bại lộ.
Khoảng 9 tháng sau án phạt này, Apple tiếp tục bị kiện với khoản phạt lên đến 113 triệu USD tại Mỹ vì lỗi tương tự, khi bản cập nhật phần mềm làm giảm hiệu suất sử dụng pin trên các đời điện thoại cũ.
Giờ đây, hàng loạt các quốc gia bắt đầu mất kiên nhẫn với Apple. Năm 2021, chính phủ Anh đã ban hành dự thảo luật yêu cầu các doanh nghiệp phải nới lỏng quyền được tự do sửa chữa sản phẩm của khách hàng.
Năm 2023, Liên minh Châu Âu (EU) đã lên kế hoạch buộc các doanh nghiệp phải sửa chữa miễn phí sản phẩm trong vòng 10 năm sau khi bán sản phẩm. Tương tự, 46/50 bang ở Mỹ cũng có các động thái giống như trên.
“Chúng tôi hy vọng Apple sẽ dần hiểu rằng thời kỳ giữ độc quyền thông qua sửa chữa của họ đã qua”, giám đốc Vasseur cho biết.
Nguồn: The Wired