"Tôi sẽ thành thật, và đây là một câu chuyện vui để kể. Ban đầu trong thiết kế, chúng tôi không muốn nó có cằm.", Paul Pierce nói.
Ngày hôm nay, Paul Pierce là một nhà thiết kế nổi tiếng tại Motorola. Nhưng 15 năm trước, ông cũng đã ở trong nhóm thiết kế ban đầu của Razr, chiếc điện thoại siêu mỏng với thiết kế không tưởng ở thời điểm nó được tạo ra, và chính bản thân Paul cũng không chắc chắn về cách nó được định hình. Cụ thể, anh rõ ràng không chắc chắn lắm về cái cằm lớn của nó.
Trước khi Razr được phát hành năm 2004, điện thoại đã phát triển để trở thành những khối nhựa đắt tiền. Cho dù đó là dạng "thanh kẹo" như Nokia 3310 hay một số điện thoại vỏ sò với lớp ngoài phun sơn màu bạc từ Sanyo hay Samsung, các thiết bị đều được định vị theo kiểu là "một thứ có chức năng công nghệ". Và khi công nghệ phát triển, với sự ra đời của màn hình lớn hơn, máy ảnh màu và camera, chúng ngày càng dày hơn. Những đột phá từ các công ty điện thoại Phần Lan, Nhật Bản và Hàn Quốc chỉ đang dần đẩy chúng theo hướng trở thành các thiết bị khổng lồ và hầu như không thể nhét vào trong túi.
Và đây là Motorola. Một công ty Mỹ có đội ngũ thiết kế làm việc ở Libertyville, vùng ngoại ô nhỏ, hẻo lánh của tiểu bang Illinois. Motorola đã chế tạo chiếc điện thoại di động đầu tiên trên thế giới vào những năm 1970; một bộ xử lý 32 bit có ảnh hưởng đến cuộc cách mạng hóa điện toán tại các công ty như Apple trong những năm 1980 và các tháp radio cho phép tạo ra cuộc cách mạng di động vào những năm 1990. Công ty này cũng đã một mình thống trị thị trường điện thoại di động toàn cầu trước khi bị Nokia vượt qua vào năm 1998.
Đó là năm 2003, Motorola đã lên kế hoạch phiên bản kế nhiệm cho chiếc điện thoại StarTAC nổi tiếng của mình, được phát hành lần đầu tiên vào năm 1996. StarTAC thời đó là chiếc điện thoại nắp gập màu đen tối giản, nhẹ và cực kỳ gây ấn tượng ngay cả theo các tiêu chuẩn khắt khe về điện thoại di động ngày nay. Nhưng chiếc điện thoại này đã bảy năm tuổi và ngừng hoạt động trên thị trường. Màn hình nhỏ. Các nút bấm cũng rất nhỏ. Nó đã được thiết kế chỉ để thực hiện các cuộc gọi trong một thế giới đang dần nghiêng về hướng đa phương tiện.
Motorola biết StarTAC cần một bộ mặt được trang điểm kiểu mới, hiện đại hơn để có tính cạnh tranh. Nhưng họ cũng không muốn nó trở thành một chiếc điện thoại dày cộp khác đang có trên kệ. Do đó, bản tóm tắt của mẫu điện thoại mới được xây dựng xung quanh một tiền đề đột phá.
"Một phần tuyệt vời của lịch sử và văn hóa của Motorola là rất tập trung vào mặt kỹ thuật," Pierce nói, với chất giọng mang tới cảm giác pha một chút mỉa mai. "Và một trong những điều đó được xác định cực kỳ rõ ràng. Tôi sẽ nói ra một trong những điều rõ ràng nhất, trong bất kỳ sản phẩm nào chúng tôi đã phát triển, và đó là một tuyên bố rất khách quan: '10 mm'. Để dễ hiểu hơn thì đó đơn giản là: Mười milimet."
Motorola muốn một chiếc điện thoại mỏng 10 mm. Và để so sánh thì các đối thủ cạnh tranh trên thị trường đang tung ra các mẫu điện thoại dày 20 mm vào thời điểm đó. Các kỹ sư và giám đốc điều hành của Motorola đã lên kế hoạch giảm một nửa con số này, để tạo nên sự nổi bật.
"Đây là một moonshot tuyệt vời", Pierce nói. Moonshot là thuật ngữ được dùng để miêu tả loại công nghệ hay dự án có thể làm thay đổi thế giới, ảnh hưởng tới hàng triệu người mà hiếm doanh nhân hay công ty nào có đủ dũng cảm để đầu tư, dù sở hữu tiềm năng đáng kể.
Nhưng tuyên bố nói trên lại là thông điệp thống nhất nhất mà Pierce từng nhớ lại trong nhiều thập kỷ làm việc tại công ty này: "Điều tuyệt vời nhất lúc đó là mọi thành viên trong nhóm đều làm tốt việc của mình - chúng tôi không có mối liên kết như vậy ngày hôm nay - Dù bạn có hỏi ai trong đội rằng: Mục tiêu là gì? Họ đều có thể cho bạn biết chính xác mục tiêu. Từng từ một."
Mười milimet. Hoặc những gì tình cờ được gọi là "mỏng như dao cạo".
Suy nghĩ đầu tiên của nhóm là xây dựng một cái gì đó giống như StarTAC 2.
Các nhà thiết kế đã tạo ra một mô hình tham chiếu, thứ có thể gợi lại dấu vết thời gian, nhưng Pierce mô tả nó giống một thiết bị có đốt ngón tay và cằm dốc. Mọi người trong nội bộ công ty rất phấn khích khi nhìn thấy mô hình 10 mm đó, tuy nhiên, vẫn cảm thấy có gì đó... sai sai. "Trong nhóm thiết kế, chúng tôi đã nói là không muốn tạo ra một thiết bị retro", Pierce nhớ lại. "Chúng tôi không muốn lại phải tạo ra một phiên bản mới sau đó."
Motorola muốn xây dựng tương lai. Công ty biết điều đó từ các nghiên cứu về thói quen văn hóa của các dân tộc trên toàn cầu, rằng mọi người sử dụng điện thoại theo những cách khác nhau. Họ nhắn tin ngày càng nhiều. Vì vậy, bàn phím nên lớn hơn. Thật lớn. Màn hình cũng phải lớn, để duyệt các trang web và chơi game. Chỉ mất một giây, màn hình ngoài sẽ cho phép người dùng kiểm tra thời gian và xem trước các cuộc gọi, trước khi trả lời chúng. Và nó phải vừa với túi quần hoặc áo.
"Không thỏa hiệp" - đã trở thành một câu thần chú. Thứ này phải mỏng, nhưng nó cũng phải cực kỳ dễ sử dụng. Và các yêu cầu thiết kế nghiêm ngặt như vậy có nghĩa là phải phá vỡ lại hoàn toàn yếu tố hình thức của điện thoại di động.
Khi được phát hành, Razr dường như trông to bản một cách kỳ quái. Mặc dù nó không có chiều rộng nhiều hơn một chiếc smartphone hiện đại ngày nay, nhưng các đối tượng khách hàng thử nghiệm của Motorola đã phản hồi lại rằng họ không muốn một chiếc điện thoại có kích thước mở ra rộng đến như vậy. "Có rất nhiều mối quan tâm trước khi chúng tôi tung ra nó, rằng sản phẩm này quá rộng", Pierce nói. "Có người nói: 'Hãy giết chết dự án này đi!'"
Nhưng điện thoại phải mở rộng đến mức đó, nếu muốn nó chạm mốc 10 mm và vẫn phù hợp với tất cả các bản mạch cần thiết bên trong. Chiều rộng cũng cho phép đưa bàn phím lớn hơn vào thiết bị.
Elisa Vargas, giám đốc thiết kế UX toàn cầu của Motorola, người điều hành nhiều nghiên cứu ban đầu và tiên phong về UI của Razr, tự tin cho rằng người dùng sẽ muốn bàn phím lớn hơn vì cô đã nhận ra sự thay đổi trong hành vi của người dùng điện thoại trên quy mô toàn cầu.
"Ở nhiều quốc gia, mọi người đã nhắn tin trên bàn phím T9 mà thậm chí không cần nhìn xuống ngón tay của họ", Vargas nói. "Chúng tôi đã thực hiện một vài nghiên cứu tại các thị trường đã thành lập và một thị trường mới nổi, và đang nhìn thấy những hành vi tương tự. Chúng tôi đã có một ý tưởng tốt về những gì mọi người đang làm với việc nhắn tin trước khi nó phổ biến ở Mỹ. Tôi nhớ mình đã cố gắng tuyển người ở Mỹ cho một nghiên cứu và không ai làm như vậy với tin nhắn văn bản!"
Cô chắc chắn đó không phải là một vấn đề liên quan tới văn hóa. Người Mỹ sẽ sớm làm theo, và Razr sẽ sẵn sàng cho họ làm điều đó.
Ban đầu, đội ngũ kỹ thuật của Motorola đã đề xuất một bàn phím có vỏ nhựa giống như bàn phím trên các thiết bị gia dụng như lò vi sóng. Nó đủ thon thả, nhưng cũng tạo ra cảm giác kỳ lạ và rẻ tiền khi chạm vào. Trong một buổi họp ý tưởng (brainstorm) giữa nhóm kỹ thuật và đội thiết kế, Pierce đã đưa ra một ý tưởng tốt hơn.
"Bản thân tôi đã từng làm rất nhiều bản phác thảo cơ học bằng bút chì. Chúng tôi có một thứ gọi là lá chắn bị tẩy xóa. Đó là một mảnh kim loại mỏng có hình dạng riêng được khắc vào. Bạn đặt nó lên một bản vẽ, rồi xóa một phần theo kiểu dòng kẻ", ông nói. "Chúng tôi đã đẩy ý tưởng này ra thực tế và điều này mang lại hiệu quả tương tự như bàn phím trên lò vi sóng. Nó rất mỏng. Nhưng nó mang lại cho chúng ta một lớp bề mặt hoàn thiện bằng kim loại, với chất lượng cảm nhận cao hơn nhiều."
Có lẽ, khá kỳ lạ khi bạn nghe Pierce nói rằng bàn phím của Razr được lấy cảm hứng từ một công cụ soạn thảo? "Chúng tôi cần một thứ gì đó cực kỳ mỏng! Nó phải cứng lại để không bị gợn sóng và nó cần phải uốn cong", ông vừa cười vừa nói. "Đây là những gì bạn nghĩ đến!"
Trong quá trình sản xuất, bàn phím Razr được khắc laser từ một miếng kim loại. Nó có thiết kế ngược đặc trưng với đèn nền phát quang màu xanh, để gây chú ý với người xem từ khoảng cách 3 mét. Đội ngũ kỹ thuật không giỏi về công nghệ đèn nền, vì vậy nhà thiết kế chính Chris Arnholt đã đến Radio Shack - chuỗi cửa hàng điện máy nổi tiếng nhất nước Mỹ - vào một ngày cuối tuần và chế tạo ra một hộp đèn màu xanh nhỏ, từ đèn LED. Nó không đủ nhỏ cho điện thoại, nhưng là bản demo thô cho phép người đứng đầu bộ phận PR của Motorola, Geoffrey Frost, tự mình nhìn thấy các đường sáng theo "cảm hứng Tron (Tron-inspired)".
"Anh ấy nói: 'Chính là nó, đây là thứ sẽ có trên sản phẩm'", Pierce nhớ lại. "Điều đó thực sự là một thách thức... nhưng chúng tôi đã tìm ra nó."
Bàn phím của Razr mang lại một cảm giác chạm đáng nhớ và khác biệt. Các gợn sóng được thiết kế kết thúc như một hòn đá ném xuống ao, tạo ra hiệu ứng xoay quang học. Kim loại gợn sóng rõ ràng là một sự thay đổi trong thiết kế của "thời đại Y2K" lúc bấy giờ. Và lớp hoàn thiện niken thực sự được lấy cảm hứng từ việc ốp mặt lưng kim loại khá phổ biến trong ngành đồng hồ. Cách chiếc bàn phím này bắt được và phản chiếu ánh sáng vẫn sẽ quyến rũ ngay cả khi bạn đã mở điện thoại ra, với một chút kịch tính và viễn tưởng như cảnh quay trong các bộ phim hành động kịch tính hay viễn tưởng của đạo diễn J.J.Abrams, lóe lên trong mắt.
"Một trong những điều quan trọng từ quan điểm thiết kế, lại là một ý tưởng bất ngờ", Pierce nói. "Chúng tôi thích ý tưởng về thứ người dùng sẽ không mong đợi, chưa bao giờ thấy trên một sản phẩm như thế này... Ngay khi mở nó ra, bạn sẽ nhận thấy lớp kim loại phong phú này. Và nhìn thấy bàn phím to như thế nào!"
Đối với ngoại thất của Razr, nhóm đã chọn nhôm và vỏ kính cứng 0,7mm cho màn hình ngoài. Đây là những vật liệu cao cấp khiến Razr tạo cảm giác giống như đồ trang sức hơn là thiết bị công nghệ. Nhưng chúng cũng buộc phải cao cấp bởi vì cần thiết phải như vậy. Để đạt được mục tiêu 10 mm, các thành phần làm bằng nhựa đơn giản là không thể cung cấp độ cứng cần thiết ở độ dày phù hợp. Trong khi đó, kính và nhôm có độ cứng tương tự ở cùng độ dày, không giống như nhựa.
Nhóm nghiên cứu đã tranh luận về quyết định đặt kính bên ngoài điện thoại và thậm chí còn tạo ra một phiên bản thử nghiệm có nắp đậy màn hình bằng nhựa thay thế. Nhưng điều đó đã đẩy độ dày của điện thoại lên 11mm. Khi hai nguyên mẫu được trao cho những người ra quyết định xem, sự lựa chọn rất đơn giản: 10 mm hoặc... "bùm".
Một chi tiết khác cũng khiến nhóm thiết kế bị ám ảnh đó là làm thế nào để điện thoại phát ra âm thanh khi nó được gập lại. Họ đã đặc biệt tập trung vào các vật liệu được sử dụng trên các điểm dừng, hay phần đệm giữa màn hình và bàn phím. Về mặt kỹ thuật, một vật liệu cho chi tiết dạng này cần tạo ra sự im lặng tuyệt đối, nhưng có gì vui khi gập thứ gì đó lại mà không có tiếng kêu?
"Tại thời điểm đó, chúng tôi đã nói về nó, một thứ giống như 'một thứ nhẹ hơn của bật lửa Zippo'.", Pierce nói. "Giúp bạn nhận ra âm thanh."
"Tất cả những chi tiết nhỏ như thế này khiến mọi người kết nối cảm xúc với thiết bị hơn", Vargas cho biết thêm.
Và cuộc đụng độ cuối cùng giữa thiết kế và kỹ thuật đã tạo ra chiếc "cằm" cho mẫu điện thoại này. Cái cằm, nếu nhìn lại, chính là phần mang tính biểu tượng nhất của Razr. Nhưng như Pierce đã nói, ban đầu ông cũng không phải là một người hâm mộ của nó.
"Vấn đề với cái cằm là một khi bạn mở nó ra, nó vẫn cho bạn biết kích thước đầy đủ của sản phẩm khi nó đóng lại", ông giải thích. "Từ góc độ thiết kế, tôi thích điều đó. Nhưng khi mở nó ra, tôi lại muốn một vật thể mỏng đến khó tin. Và tôi sẽ không chấp nhận một thứ gì trông giống như vậy".
Nhóm thiết kế đã chế nhạo các mô hình Razr không có cằm, nhưng cuối cùng nó đã được chứng minh là một sự cần thiết về chức năng. Giống như mẫu Razr với màn hình OLED vừa ra mắt, cằm là nơi mà ăng-ten của điện thoại sẽ phải đặt để tối ưu hóa về hiệu suất.
"Chúng tôi đã yêu thích nó bởi vì đó là một trong những điều làm cho nó trở thành biểu tượng, và là một bước đột phá cho hiệu suất", theo chia sẻ từ Pierce. "Phần mềm cho phép chúng tôi lấy ăng-ten ra xa khỏi phần đầu, khiến chúng tôi dễ dàng tăng cường sức mạnh và giúp nhận được tín hiệu tốt hơn. Đây thực sự là những thứ tạo ra một phần trong lịch sử của Motorola: 'Tôi có thể nhận cuộc gọi theo cách mà người khác không thể'."
Razr đã gói vào trong một chiếc chiến thoại tất cả các kiểu dáng công nghiệp mang tính biểu tượng: Sự đổi mới cần thiết; Thẩm mỹ kỳ quặc; Vật liệu cao cấp; Một quan điểm độc đáo. Nhưng phiên bản Razr màu bạc chỉ là sự khởi đầu.
Sau khi Razr ra mắt, một số chiêu tiếp thị thông minh của một công ty quảng cáo ở Los Angeles đã ghi điểm cho thiết bị này khi đưa nó vào trong giỏ quà tặng trao giải Oscar năm 2004, cho mọi danh sách sao hạng A của Hollywood. Động thái này đã giúp Razr trở thành chiếc di động đầu tiên vượt lên trên công nghệ để trở thành một hình mẫu mang tính biểu tượng.
"Sau khi nó trở nên phổ biến, mọi người đều muốn có chiếc Razr của riêng mình", Mike Jahnke, kỹ sư thiết kế công nghiệp chính của Motorola kể lại. Ông là người đã xử lý rất nhiều chi tiết tùy chỉnh trong văn phòng công ty ở Libertyville. Nhóm nghiên cứu đã xé nhỏ từng phần của Razr, chuẩn bị các bộ phận linh kiện nhỏ như phần mở nắp pin bằng nhôm cao cấp, in lụa và các chi tiết tùy chỉnh bằng laser. Một số là các thiết kế độc nhất, dành cho những người có ảnh hưởng. Còn những người khác thì nghiên cứu các màu sắc dành cho dây chuyền sản xuất hàng loạt. Jahnke đã tạo ra hàng trăm mẫu thiết kế Razr tùy chỉnh trong nhiều năm, bao gồm cả phiên bản Razr giả gỗ và một mẫu dành cho đại sứ thương hiệu David Beckham.
Một ngày thứ Năm năm 2005, trước khi giải quần vợt Wimbledon diễn ra. Jahnke nhận được một cuộc gọi yêu cầu tạo ra một phiên bản Razr màu hồng cho một tay vợt mới nổi tên Maria Sharapova. Jahnke đã tạo ra một mẫu vỏ ngoài với màu hồng mà nữ vận động viên này yêu thích, gắn lên điện thoại và gửi nó ra nước ngoài. Sharapova không giành chiến thắng chung cuộc năm đó. Nhưng cô đã gọi bằng chiếc điện thoại này sau giải đấu và gây ra một vụ nổ truyền thông nho nhỏ. Sau đó, Motorola sớm đưa một chiếc Razr màu hồng tương tự như mẫu cho Sharapova vào sản xuất hàng loạt.
"Tôi có một bức ảnh chụp Bono (nghệ danh của ca sĩ Paul David Hewson) với hai chiếc điện thoại phiên bản đỏ đặc biệt Project Red do tôi làm, mà anh ấy cầm chúng như kính râm". Jahnke cười nói. "Đó là Bono! Ca sĩ chính của ban nhạc lớn nhất thế giới, đã sử dụng thứ mà tôi có một phần đóng góp rất nhỏ trong đó."
Steve Jobs từng gọi nó là thứ "biến điện thoại của bạn trở thành một chiếc iPod shuffle"
Razr sẽ bán được 130 triệu chiếc Razr trong vài năm sau đó. Đó là một cú hích vào thời điểm năm 2006, hai năm trước khi Apple phát hành iPhone. Công ty có trụ sở ở Cupertino đã hợp tác với Motorola trên một mẫu điện thoại di động tập trung vào tính năng media, có tên ROKR. Bản thân Steve Jobs gọi nó là thứ "biến điện thoại của bạn trở thành một chiếc iPod shuffle". Thật không may, sự hợp tác này không đủ để tạo ra một chiếc điện thoại đột phá tiếp theo. Quản lý Motorola đã chọn hướng điều hành thương hiệu Razr tập trung vào nền tảng thay vì đầu tư vào sự đổi mới, cho phép thiết kế ra các sản phẩm mang tính bước ngoặt ngay từ đầu. Để giành lấy thị trường, công ty đã hạ giá Razr xuống đến mức lợi nhuận là thấp nhất có thể, với 5 USD mỗi đơn vị.
Nhưng Razr đã thay đổi thế giới theo cách tạo ra một hình mẫu cho các thiết bị liên lạc cá nhân, sang trọng và khiến mọi người thèm muốn. Trước khi chúng ta có iPhone - một chiếc điện thoại thông minh cao cấp dành cho tất cả mọi người, được làm bằng nhôm và kính - chúng ta đã có Razr, một chiếc điện thoại nắp gập cao cấp cũng dành cho tất cả mọi người và được làm bằng nhôm và kính. Razr là một tấm ảnh chụp nhanh về một bước ngoặt của ngành công nghệ. Sản phẩm điện tử tiêu dùng này đã đảm nhận vai trò dẫn dắt mới về văn hóa, trong một thế giới mà mọi người nổi tiếng đều muốn sở hữu một vật thể có giá hàng trăm USD thay vì hàng triệu USD, đơn giản chỉ vì nó tuyệt vời.
"Có một cuộc tranh luận nội bộ khi chúng tôi đang phát triển nó, rằng đây thực sự là câu chuyện về công nghệ hay là thời trang", Pierce nói. "Rõ ràng, đến cuối cùng, thì đó là về thời trang."
Tham khảo Fastcompany