Tản nhiệt nước AIO iCUE Link Titan RX RGB vừa được nhà Corsair cho lên kệ tại thị trường Việt Nam. Sản phẩm có sẵn với các tùy chọn kích thước két nước làm mát 240mm (màu trắng hoặc đen), 280mm (chỉ màu đen) và 360mm (màu trắng hoặc đen). So với tản nhiệt nước iCUE Link H150i RGB trước kia thì iCUE Link Titan RX RGB là phiên bản "lột xác" toàn diện, xứng đáng để trang bị cho các hệ thống gaming hay render đòi hỏi hiệu suất cao.
Ngay khi vừa "đập hộp", người viết đã rất ấn tượng với độ hoàn thiện của sản phẩm. Nó thể hiện rõ đây là một linh kiện cao cấp cho những chiếc PC khó có chỗ chê - vừa hiệu năng mạnh vừa đẹp mắt. Đúng nghĩa AIO, nhà sản xuất đã làm gần như tất cả mọi thứ có thể để người dùng chỉ việc gắn và chạy. Trong đó, mặt đế đồng lạnh được gia công khá tỉ mỉ để đảm bảo bề mặt tiếp xúc tối ưu với bộ phận IHS trên CPU, qua đó mang lại khả năng thu và tản nhiệt tốt chưa từng có.
"Làn gió mới" trên iCUE Link Titan RX RGB còn đến từ việc Corsair trang bị cho nó hệ thống bơm FlowDrive ba pha, giúp cho tốc độ dòng chảy cao hơn. Điều này hỗ trợ cải thiện hiệu suất làm mát, vì chất lỏng di chuyển càng nhanh thì nó có thể lấy nhiệt từ CPU và loại bỏ nhiệt qua bộ tản nhiệt càng hiệu quả. Hơn nữa, bơm ba pha hiệu quả hơn bơm một pha khi tiêu tốn ít điện năng hơn, kéo dài đáng kể tuổi thọ của bơm.
Tản nhiệt nước AIO này được trang bị thêm bộ điều khiển iCUE Link kèm các dây kết nối.
Thực tế trong cùng điều kiện hoạt động với nền tảng vi xử lý Intel hay AMD, so với tản nhiệt iCUE Link H150i RGB đầu bảng trước kia, CPU sẽ mát hơn tới 5 độ C khi sử dụng tản nhiệt iCUE Link Titan RX RGB. Lý do là dù cả hai cùng sử dụng chung 3 quạt RX 120mm ở độ ồn khoảng 20 dB(A), nhưng những cải tiến trong thiết kế như trên đã mang lại hiệu quả làm mát đáng kinh ngạc cho Titan RX RGB.
Thử nghiệm trên chiếc PC sử dụng CPU Intel Core i5-13600K, RAM Kingston FURY Renegade DDR5 32GB, mainboard Gigabyte Z690 Aorus Xtreme, SSD Kingston KC3000 1TB, VGA Gigabyte AMD Radeon RX 7600 XT Gaming OC 16G và nguồn MIK C850G thì tản nhiệt iCUE Link Titan RX RGB không bao giờ vượt quá 75 độ C trong mọi tác vụ, thậm chí là đa tác vụ nặng. Điều này cho thấy iCUE Link Titan RX RGB được sinh ra để "cân" cả những hệ thống "khủng" hơn như Intel Core i9 dòng K, chứ dùng trên Intel Core i5-13600K có chút dư thừa.
Bên cạnh hệ thống bơm làm trung tâm với 20 đèn LED đa sắc màu kèm quạt trông rất ngầu, thì các quạt 120mm (cho phiên bản 240mm và 360mm) và 140mm (cho phiên bản 280mm) cũng có hiệu ứng màu RGB. Những chiếc quạt này đã được kết nối sẵn với bộ tản nhiệt để quá trình lắp đặt nhanh gọn hơn, có thể dễ dàng tháo ra. Kèm theo đó là công nghệ Corsair AirGuide giúp đưa không khí vào nhiều hơn qua bộ tản nhiệt.
iCUE Link Titan RX RGB sử dụng động cơ làm mát FlowDrive nâng cấp, và bề mặt tấm lạnh được thiết kế chính xác giúp gia tăng tối đa diện tích tiếp xúc với CPU. Cùng với đó, quạt RX RGB sử dụng ổ trục vòm từ tính để giảm tiếng ồn, đồng thời tăng tuổi thọ và hiệu suất.
Ngoài ra, người dùng có thể cá nhân hóa bộ tản nhiệt Titan RX RGB thông qua các mặt nạ pump CapSwap (bán riêng). Chẳng hạn, người dùng có thể thêm hiệu ứng chiều sâu 3D cho mặt nạ pump với Groove module; giảm nhiệt phát sinh từ khu vực VRM, khe SSD M.2 và DRAM trên bo mạch chủ đến 25 độ C với VRM Fan module; hay hiển thị bất kỳ thứ gì từ thông số nhiệt độ hệ thống đến ảnh động GIF trên LCD Screen module. Rất thú vị!
Phần mềm iCUE Link của Corsair cũng là một trong những điểm nổi bật (dù không phải mới) của chiếc tản nhiệt AIO này nói riêng và các sản phẩm có LED RGB của hãng nói chung. Để sử dụng chức năng điều khiển thông qua phần mềm, Corsair đã trang bị một cổng USB Type-C ở cạnh bên của khối bơm, giúp người dùng kết nối đặc dụng và điều khiển tốc độ quạt, tốc độ bơm hay đèn LED RGB.
Thêm điều đặc biệt không thể không nhắc tới trên Corsair iCUE Link Titan RX RGB là sản phẩm ra đời để đón đầu cả tiêu chuẩn socket LGA 1851 mới của Intel. Cụ thể, Titan RX RGB hỗ trợ nhiều loại socket của Intel và AMD, bao gồm Intel LGA 1851/1700 và AMD AM5/AM4. Như vậy, đầu tư cho Titan RX RGB ngay tại thời điểm này thì người dùng vẫn hoàn toàn có thể tái sử dụng khi cần nâng cấp hệ thống lên chuẩn mới trong tương lai.