Ngày 4-11, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã tham gia giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Theo Bộ trưởng Tô Lâm , trong quá trình chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, các đại biểu đã nêu 3 vấn đề có liên quan đến công tác quản lý Nhà nước của Bộ Công an, gồm: Tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý về an ninh mạng hiện nay; tình trạng mua bán trái phép dữ liệu thông tin cá nhân của giải pháp ngăn chặn, xử lý; kết nối, chia sẻ, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Người đứng đầu Bộ Công an cho biết hiện có một số tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về an ninh mạng như hành lang pháp lý trong lĩnh vực an ninh mạng chưa hoàn thiện.
Cùng với đó, sự phối hợp giữa các bộ ngành, địa phương, các tổ chức chính trị xã hội chưa đi vào thực chất mà nặng về hình thức, có tình trạng khoán trắng nhiệm vụ bảo vệ an ninh mạng cho các cơ quan chuyên trách. Công tác thanh kiểm tra, phát hiện, xử lý hành vi vi phạm còn chưa kịp thời, chưa hiệu quả.
Theo Đại tướng Tô Lâm, phần lớn các nền tảng dịch vụ, mạng xã hội, ứng dụng công nghệ của các doanh nghiệp nước ngoài hiện không có pháp nhân, văn phòng đại diện tại Việt Nam để triển khai các biện pháp quản lý, phối hợp.
Về giải pháp thời gian tới, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết sẽ đẩy mạnh các hoạt động của Ban chỉ đạo an toàn, an ninh mạng quốc gia, hoàn thiện cơ chế phối hợp liên ngành để giải quyết những vấn đề thực tiễn một cách cơ động, linh hoạt, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả.
Nâng cao trình độ, năng lực và quan tâm đầu tư trang bị công cụ, phương tiện nghiệp vụ hiện đại để theo kịp sự phát triển của khoa học công nghệ thế giới cho lực lượng an ninh mạng, phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cũng là một trong những giải pháp quan trọng được Bộ Công an đề ra.
Đối với nội dung đại biểu nêu về công tác xây dựng, kết nối, chia sẻ, khai thác sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết hiện nay cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã chính thức kết nối, chia sẻ thông tin với cơ sở dữ liệu chuyên ngành của 12 bộ, ngành, 4 doanh nghiệp nhà nước và Ủy ban nhân dân 15 địa phương.
Tuy nhiên, việc kết nối, chia sẻ dữ liệu quốc gia dân cư với các bộ, ngành, địa phương còn gặp khó khăn, do hạ tầng công nghệ thông tin của nhiều bộ, ngành, địa phương chưa bảo đảm, thiếu đồng bộ, chưa có hệ thống để kết nối, chưa triển khai đầy đủ các phương án đảm bảo an toàn thông tin.
"Có nhiều bộ, ngành, địa phương chưa số hóa dữ liệu, quy trình phục vụ cho triển khai thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, nên dù đã kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhưng kết quả khai thác còn rất hạn chế" - Bộ trưởng Tô Lâm nói và cho biết thời gian tới Bộ Công an cùng với các đơn vị liên quan sẽ rà soát, kết nối dữ liệu nhằm phục vụ người dân.
Về tài khoản định danh điện tử, theo Đại tướng Tô Lâm, năm 2022, Bộ Công an đã công bố hệ thống định danh, xác thực điện tử và đưa vào hoạt động chính thức. "Đây là bước tiến mới, đưa Việt Nam chính thức có định danh điện tử quốc gia"- lãnh đạo Bộ Công an nhấn mạnh.
Tính đến tháng 11-2022, Bộ Công an đã cấp hơn 12 triệu hồ sơ định danh điện tử cho người dân. Lợi ích đối với định danh điện tử là rất lớn, giúp người dân dễ dàng trao đổi thông tin, không phải cung cấp, điền nhiều thông tin khi làm việc với cơ quan Nhà nước và chỉ kê khai một lần. Với tài khoản định danh sẽ đảm bảo 4 không: Không tiếp xúc, không giấy tờ, không tiền mặt và không gặp gỡ.
Với tài khoản định danh, người dân có thể sử dụng thay thế thẻ bảo hiểm khi khám chữa bệnh, thay thế căn cước công dân để đăng ký xe máy, thay thế cho các giấy tờ tương ứng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong giải quyết thủ tục hành chính.
Tại phiên chất vấn, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) cũng đã nêu vấn đề từ 31-12-2022, sổ hộ khẩu giấy sẽ hết hiệu lực theo Luật Cư trú. Vậy, việc kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia sẽ được đẩy nhanh như thế nào để tạo thuận lợi cho người dân khi giải quyết thủ tục hành chính khi không còn dùng sổ hộ khẩu giấy.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết Bộ Công an đang xây dựng 1 nghị định sửa đổi 19 nghị định liên quan đến các quy định về sử dụng hộ khẩu giấy. Theo đó, dự kiến dự thảo Nghị định sẽ được thông qua trước ngày 15-12-2022 để có cơ sở giải quyết thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân khi sổ hộ khẩu giấy hết hiệu lực.
Về tình trạng thu thập, mua bán trái phép dữ liệu cá nhân, Đại tướng Tô Lâm nhìn nhận đây là thực trạng diễn ra rất phức tạp. Bộ Công an kiến nghị hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế đặc thù đối với bảo vệ dữ liệu cá nhân. Đồng thời, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm cho ý kiến về dự thảo nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Bên cạnh đó, các bộ ngành, địa phương cần chủ động đầu tư trang thiết bị, cơ sở hạ tầng hiện đại bảo vệ nền tảng dữ liệu, an ninh thông tin quan trọng, lưu trữ thông tin, dữ liệu cá nhân; xây dựng chiến lược chất lượng cao trong đảm bảo an ninh mạng.