Thực chất, các “chiêu trò quảng cáo” sẽ tạo ra sự khác biệt lớn trong cách người dùng tương tác với một thiết bị cụ thể. Và chúng thường được coi là “sự đổi mới”.
Nhiều năm qua, Samsung vẫn luôn là người nổi bật trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, “đối thủ” Apple của hãng cũng không kém cạnh với những quảng cáo theo đuổi “sự tận tâm”.
Apple và Samsung: Đổi mới và Thực tế
Theo các chuyên gia, Apple đang có xu hướng “phát minh lại” các tính năng đã có mặt trên nhiều thiết bị khác trong một thời gian dài - điển hình là Màn hình luôn bật (Always On).
“Táo Khuyết” thường xuyên hô biến, tinh chỉnh tính năng đã có từ lâu, đưa chúng lên tầm cao hơn. Ví dụ mới nhất là chức năng Hover Detection - Phát hiện bút Apple Pencil trên iPad Pro mới (2022), hoạt động ngay cả khi thiết bị này không tiếp xúc trực tiếp với màn hình.
Cặp iPad Pro năm nay không hề khác biệt so với bản tiền nhiệm, ngoài chip xử lý mới.
Tính năng này khá giống với tính năng AirView của Samsung, cho phép người dùng xem trước nội dung mà không cần chạm vào màn hình. Đáng tiếc, AirView chỉ được xem là một “chiêu trò quảng cáo” và đã bị loại bỏ.
Vấn đề chính không nằm ở việc Apple đã sao chép một tính năng của Samsung mà là công ty có trụ sở tại Cupertino đã quảng cáo tính năng của mình mang tính sáng tạo và hữu ích.
Chính xác thì “chiêu trò quảng cáo” là gì?
Đầu tiên, khả năng sử dụng của một tính năng phần lớn phụ thuộc vào cách thức người dùng sử dụng, chúng có thể được sử dụng thường xuyên hoặc không. Điều này không thể dự đoán trước khi ra mắt một thiết bị.
“Chiêu trò quảng cáo” được xem là những tính năng không chỉ không hữu ích mà còn được quảng cáo là sáng tạo, nhằm thu hút khách hàng.
iPhone 14 Pro nổi bật hơn nhờ Dynamic Island.
Năm nay, iPad Pro (2022) gần giống với phiên bản tiền nhiệm, ngoại trừ những cải tiến nhỏ về hiệu suất (nhờ chip M2). Do đó, tính năng với bút S Pen chính là “chiêu trò quảng cáo” của Apple, gây sự chú ý với người dùng.
“Chiêu trò quảng cáo” của Apple
Trước tính năng Hover Detection trên iPad Pro 2022, “Táo Cắn Dở” cũng đã từng có khá nhiều “chiêu trò quảng cáo”. Những ví dụ điển hình là Touch 3D – cho phép nhận biết và phân biệt giữa các mức lực; thanh cảm ứng Touch Bar trên MacBook Pro. Cả 2 đều được tung hô quảng cáo mạnh mẽ nhưng nhanh chóng bị lãng quên và bị loại bỏ.
Thanh Touch Bar trên MacBook Pro không được đánh giá cao dù được quảng cáo rầm rộ.
Thậm chí, Dynamic Island cũng được xem là một “chiêu trò quảng cáo” của Apple. Theo đánh giá của các chuyên gia, đây chỉ được xem là chút thay đổi thiết kế của cặp iPhone 14 Pro, không mang tính đột phá.
Kết luận
Tất nhiên, không thể phủ nhận Apple đã mở đường cho điện thoại thông minh hiện đại với chiếc iPhone đầu tiên và cách mạng hóa cách chúng ta sử dụng công nghệ nói chung.
Dù vậy, không phải tính năng nào được Apple quảng cáo cũng đại diện cho sự đổi mới. Cho tới nay, công ty vẫn chưa trang bị màn hình OLED cho iPad và không đưa màn hình Mini-Led vào iPad Pro 11 inch.
Không phải tính năng nào được quảng cáo trên iPhone đều hữu ích.
Thực tế, các “chiêu trò quảng cáo” có thể ảnh hưởng tới toàn bộ ngành công nghệ, thậm chí có thể trở thành nỗi ám ảnh của người tiêu dùng với những gì mới nhất và tốt nhất. Điều duy nhất giúp người dùng hạn chế bị đánh lừa bởi những “chiêu trò” này là trải nghiệm thực tế và đánh giá khách quan từ chuyên gia về những sản phẩm của Apple và Samsung, cũng như mọi nhà sản xuất công nghệ khác trước khi mua thiết bị.