TikTok vừa công bố báo cáo "Tìm hiểu các biện pháp ứng phó hiệu quả trong giáo dục phòng ngừa đối với những thử thách trực tuyến nguy hiểm". Báo cáo này là kết quả của một dự án quy mô toàn cầu, tìm hiểu về xu hướng hành vi của giới trẻ khi tham gia các thử thách tiềm ẩn những nguy hiểm, các trò lừa bịp có thể dẫn đến tự sát hoặc tự hại bản thân.
Cùng với báo cáo "Tìm hiểu các biện pháp ứng phó hiệu quả trong giáo dục phòng ngừa đối với những thử thách trực tuyến nguy hiểm", TikTok đã tổ chức một hội thảo trực tuyến tại Việt Nam, trong đó có bà Nguyễn Phương Linh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững và chuyên gia tâm lý PGS.TS Trần Thành Nam, cùng lãnh đạo TikTok Việt Nam.
Tại đây, các diễn giả đã nói về những hiểm hoạ đến từ một số thử thách nguy hiểm đang được lan truyền gần đây. Chẳng hạn, một hiện tượng "nổi như cồn" suốt nhiều tháng qua là bộ phim Squid Game (Trò chơi con mực) của Hàn Quốc với rất nhiều phân cảnh máu me, bạo lực, được gắn nhãn 18+ nhưng vẫn có rất nhiều trẻ em tiếp cận.
Theo các diễn giả, dù muốn dù không, việc các quảng cáo "ăn theo" Squid Game hay các đoạn cắt trong phim xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội nếu để trẻ em xem được thì sẽ rất tai hại. Bởi vì trong phim, người chơi tham gia thử thách chỉ cần sai một bước là bị bắn chết ngay lập tức. Nó chẳng khác gì những thử thách độc hại đã gây ảnh hưởng tới nhiều trẻ em trên toàn cầu.
Những trò lừa bịp tự sát và tự làm hại bản thân này có điểm chung là cố gắng thuyết phục người chơi tin vào một điều gì đó đáng sợ không có thật. Có những trường hợp trẻ em bị kích động bằng một đoạn tin nhắn đe doạ giả mạo, dụ dỗ các em thực hiện các thử thách với cấp độ khó tăng dần, cuối cùng là tự kết liễu bản thân.
"Nếu không muốn chịu những hậu quả đáng sợ như lời hăm doạ, các em phải tiếp tục lan truyền những tin nhắn này và mời thêm bạn bè tham gia trò chơi. Mặc dù hành động này tưởng chừng vô hại, nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng, 31% trẻ vị thành niên từng tiếp cận những trò lừa bịp nguy hiểm này đã bị ảnh hưởng tiêu cực. Trong đó, 63% số trẻ cảm thấy bị tổn hại tinh thần", TikTok cảnh báo.
"Nhiều phụ huynh lo ngại rằng việc chủ động đề cập sẽ vô tình thúc đẩy tính tò mò, hiếu kỳ ở những trẻ vốn sẽ không tiếp xúc với thử thách đó. 56% phụ huynh đồng tình rằng họ sẽ không nhắc đến những trò lừa bịp này trừ khi trẻ đề cập đến vấn đề đó trước. Ngoài ra, 37% phụ huynh tin rằng các trò lừa bịp là một chủ đề rất khó nói nếu không gợi lên sự quan tâm của trẻ", TikTok cho biết thêm.
Để giải quyết vấn đề, theo TikTok, trước tiên phải xác định động cơ thúc đẩy thanh thiếu niên tham gia vào những thử thách này, phương pháp trẻ sử dụng để đánh giá rủi ro và tìm ra phương án để đảm bảo an toàn cho các em.
Nghiên cứu chỉ ra rằng, trước khi tham gia thử thách, trẻ vị thành niên có vận dụng một loạt những phương pháp đánh giá rủi ro, bao gồm xem video mọi người thử làm, đọc bình luận và nói chuyện với bạn bè. Do đó, trao quyền và hướng dẫn trẻ phương pháp tự cân nhắc, suy nghĩ thấu đáo về rủi ro chính là chiến lược phòng tránh hữu hiệu nhất.