36 học sinh đến từ trường THCS Trần Văn Ơn và THCS Huỳnh Khương Ninh (TP.HCM) vừa có buổi ngoại khóa trong chương trình “Tìm hiểu khoa học cùng Sony” với chủ đề công nghệ cảm biến MESH. MESH là từ viết tắt của Make - Experience - Share với ý nghĩa khuyến khích các em làm được một ứng dụng cụ thể từ các khối cảm biến, trải nghiệm ứng dụng mình tạo ra và chia sẻ với nhau.
Đặc biệt, tham dự chương trình lần này, các em học sinh còn được chạm tay vào chú chó robot Aibo đáng yêu và thông minh. Không chỉ tích hợp hàng loạt những công nghệ hiện đại của Sony về trí thông minh nhân tạo và camera, chú chó Aibo còn tích hợp một loạt các cảm biến - là công nghệ mà các em trải nghiệm trong chương trình. Nhờ có các cảm biến này, các bạn nhỏ có thể tương tác với Aibo thông qua các động tác chạm hoặc vuốt ve lên phần lưng.
Chú chó thông minh tích hợp trí tuệ nhân tạo Aibo.
MESH được Sony ra mắt từ 2015 với 7 khối cảm biến gồm: LED (đèn phát sáng), Button (nút bấm), Motion (cảm biến chuyển động), Move (cảm biến di chuyển), Brightness (cảm biến ánh sáng), Temperature & Humidity (cảm biến nhiệt độ và độ ẩm) và GPIO (cảm biến trung gian dùng để kết nối các cảm biến với các thiết bị ngoại vi). Tất cả các cảm biến này đều được sản xuất tại Nhật Bản với mức giá từ 39,99 USD (khoảng 921.000 đồng).
Trong chương trình lần này, các em học sinh được làm quen với 5 khối cảm biến (tag):
+ Move (màu xanh da trời): Có thể cảm nhận được các chuyển động như lắc, lật, chạm nhẹ hay chuyển hướng.
+ Button (màu xanh lá): Hoạt động như công tắc khi được bấm một lần, hai lần hay bấm giữ.
+ LED (màu cam): Có thể phát ra ánh sáng nhiều màu khác nhau hoặc ánh đèn chớp.
+ Brightness (màu xanh đậm): Hoạt động như một công tắc khi có sự thay đổi về ánh sáng.
+ GPIO (màu xám): Hoạt động như một thiết bị cảm biến trung gian kết nối các cảm biến bấm, chuyển động, ánh sáng với các thiết bị ngoại vi khác.
Các chuyên gia Sony đang hướng dẫn học sinh làm quen với các khối cảm biến MESH.
Một hệ thống cảnh báo an toàn giao thông ban ngày và ban đêm do các em học sinh sáng tạo ra.
Không giống với lập trình thông thường yêu cầu người dùng cần phải biết ngôn ngữ lập trình, MESH có thể được thực hiện chỉ bằng cách chạm và kéo các lệnh trực quan trên ứng dụng có sẵn, thông qua kết nối bluetooth. Vì vậy, các em học sinh có thể tự mình thiết lập các chuỗi tự động hóa theo ý tưởng của mình như nhắc học bài, uống thuốc hay tưới cây đúng giờ bằng cách dùng cảm biến LED.
Cụ thể hơn như khi được lập trình, đèn sẽ sáng lên nếu tập vở, hộp thuốc không được mở theo lịch trình hay cây chưa được tưới nước. Hoặc các bạn có thể lập trình để tủ quần áo phát sáng khi đóng mở với tag cảm biến ánh sáng, âm nhạc phát ra khi mở cửa phòng với tag di chuyển. Thậm chí có thể kết hợp chúng với nhau tạo ra chuỗi lập trình, có bổ sung thêm tag nút bấm để có thể tắt - mở cả hệ thống.
Một nhóm học sinh đã liên tưởng ngay đến việc sử dụng cảm biến để cảnh báo cháy rừng với chuyển động của cây cối khi ngả đổ.
So với các chủ đề được tổ chức trước đây, MESH có độ phức tạp cao hơn nhưng cũng thú vị và hào hứng hơn khi học sinh được thỏa sức sáng tạo để hiện thực hóa những ý tưởng của mình. Không dừng lại ở đó, MESH mang đến cho các em những khái niệm đầu tiên về cảm biến, về tự động hóa, đồng thời rèn luyện cho các em nhiều kỹ năng cần thiết như làm việc nhóm, suy nghĩ logic và giải quyết vấn đề...
Ông Tsuda Yasuhiro - Tổng Giám đốc Sony Electronics Việt Nam cho biết: “Cảm biến MESH là bộ công cụ dễ sử dụng và mang lại nhiều thú vị khi được kết hợp với những vật dụng trong đời sống. Vì vậy, chúng tôi muốn mang đến cơ hội trải nghiệm những điều thú vị này đến với các em học sinh, để các em thỏa sức sáng tạo và hiện thực hóa ý tưởng của mình”.