Trong một dự án khoa học chung do các nhà nghiên cứu từ Ai Cập và Anh hợp tác, xác ướp của vua Ramesses II đã được "mở bọc bằng kỹ thuật số", cho phép các nhà sử học lần đầu tiên quan sát được ngoại hình của vị pharaoh nổi tiếng vào thời điểm ông qua đời, ở tuổi 90.
Theo đó, các nhà khoa học đã sử dụng các bản chụp CT trước đó của xác ướp pharaoh và áp dụng chúng vào phần mềm phân tích để xem xét chi tiết trên khuôn mặt vua Ramesses II. Các chuyên gia sau đó có thể phân biệt giữa hộp sọ và các vật liệu khác được sử dụng trong quá trình ướp xác và tạo ra hình ảnh 3D của hộp sọ. Tiếp theo, khuôn mặt được tái tạo một cách chính xác nhất dựa trên các dữ liệu thu được khi đo đạc các lớp cơ mặt đặc trưng của người Ai Cập. Từng lớp cơ mặt - là những cấu trúc định hình vẻ ngoài của khuôn mặt người - sẽ được “phủ lên” để tạo ra hình ảnh cuối cùng.
Các chuyên gia hình ảnh sau đó đã đảo ngược quá trình lão hóa và tiết lộ khuôn mặt của vua Ramesses II ở độ tuổi 45.
"Việc hình dung các đặc điểm khác trên khuôn mặt như khuyên tai và kiểu tóc cũng có thể thực hiện được nhờ phần mềm tái tạo hình ảnh sử dụng công nghệ mới nhất", tiến sĩ Saleem tiết lộ.
Khuôn mặt của vua Ramesses II vào thời điểm ông 45 tuổi
Theo chuyên gia Caroline Wilkinson, giám đốc Phòng thí nghiệm khuôn mặt tại Đại học Liverpool John Moores, quá trình tái tạo khuôn mặt liên quan đến "mô hình chụp cắt lớp vi tính (CT) của hộp sọ" và "cơ sở dữ liệu về giải phẫu khuôn mặt được tạo mẫu sẵn mà chúng tôi nhập vào. Những dữ liệu này sau đó thay đổi để phù hợp với hình dáng hộp sọ".
Theo tiến sĩ Saleem, kết quả là khuôn mặt của một pharaoh có vẻ ngoài "đẹp trai".
"Dựa trên khuôn mặt tái tạo, có thể thấy đây là một người đàn ông Ai Cập rất đẹp trai với các đường nét khuôn mặt đặc trưng của Ramesses II – chiếc mũi cao và xương hàm sắc nét," Saleem nói trong một tuyên bố được Daily Mail trích dẫn.
"Phần mềm chụp cắt lớp CT xác định thuộc tính của các lớp vật liệu khác nhau trên khuôn mặt của xác ướp, chẳng hạn như băng vải lanh phủ bên trên. Điều này cho phép chúng tôi có thể 'mở bằng phương pháp kỹ thuật số" với xác ướp của các pharaoh. Tiến sĩ Sahar Saleem, giáo sư X quang tại Đại học Cairo, người đứng đầu dự án, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với AuntMinnieEurope.com.
"Các nhóm dân cư và sắc tộc khác nhau có các số đo trung bình khác nhau ở các vùng khác nhau trên khuôn mặt bao gồm độ nghiêng của trán, vùng mũi, má và môi. Cách tiếp cận khoa học nhất là sử dụng các phép đo từ một quần thể càng gần đối tượng nghiên cứu của bạn càng tốt — đó là những gì chúng tôi đã làm.", tiến sĩ Sahar Saleem cho biết thêm.
...và khuôn mặt khi vua Ramesses II ở độ tuổi 90, trước khi qua đời sau 66 năm trị vì Ai Cập cổ đại
Vị pharaoh đầu tiên và duy nhất được cấp hộ chiếu 3.000 năm sau khi ông qua đời
Ramesses II hay còn được biết tới với tên gọi Ramesses Đại đế là vị Pharaoh thứ ba của Vương triều thứ 19 trong lịch sử Ai Cập. Ông sinh vào khoảng năm 1302 trước Công nguyên và nối ngôi vua cha, Seti I, vào cuối thời niên thiếu, trở thành pharaoh ở Vương triều thứ 19 dưới thời Tân Vương quốc.
Ramesses II trị vì tổng cộng 66 năm, đứng trong hàng ngũ những pharaoh trị vì lâu nhất trong lịch sử Ai Cập. Ông thậm chí sống lâu hơn nhiều người con của mình. Người duy nhất phá kỷ lục của Ramesses II là Pepi II, vị pharaoh ở Cổ Vương quốc với thời gian trị vì 94 năm.
Theo các tài liệu sử học, ông được ghi nhận là một trong những pharaoh vĩ đại, quyền lực và được ca tụng nhiều nhất trong lịch sử Ai Cập cổ đại với nhiều chiến thắng lẫy lừng và các công trình đồ sộ.
Tương tự nhiều pharaoh ở Tân Vương quốc, Ramesses II được chôn ở Thung lũng các vị Vua tại bờ tây sông Nile. Ban đầu, xác ướp của pharaoh nằm trong ngôi mộ có số hiệu KV7. Về sau, các thầy tu Ai Cập đã chuyển thi thể pharaoh tới hầm Deir el-Bahri, nơi xác ướp nằm ở đó cho tới khi được phát hiện vào năm 1881.
Khá thú vị, Ramesses II là vị pharaoh đầu tiên và duy nhất trong lịch sử được chính phủ Ai Cập cấp hộ chiếu tới Pháp 3.000 năm sau khi ông qua đời.
Xác ướp pharaoh Ramesses II được đặt ở Bảo tàng Ai Cập tại Cairo năm 1885. Đến năm 1974, các nhà Ai Cập học làm việc tại bảo tàng phát hiện xác ướp Ramesses II đang phân hủy ở tốc độ đáng báo động và quyết định chuyển tới Pháp để kiểm tra.
Đáng chú ý, theo luật pháp Ai Cập, ngay cả người chết cũng cần có giấy tờ đầy đủ mới được phép đưa ra nước ngoài. Những giấy tờ này cũng giúp đảm bảo xác ướp pharaoh có thể quay trở về nước an toàn. Các nhà chức trách Ai Cập khi đó lo ngại xác ướp pharaoh sẽ bị giữ lại sau khi tới Pháp.
Kết quả, Pharaoh Ramesses II được chính phủ Ai Cập phát hộ chiếu, và trở thành xác ướp đầu tiên nhận đặc quyền này. Khá thú vị, không chỉ có ảnh chụp gương mặt của Ramesses II, mục khai nghề nghiệp của vị pharaoh Ai Cập cổ đại được ghi là "Nhà vua (đã qua đời)".
Tổng hợp