Một trong những phát hiện mới nhất cho thấy bộ não gần như liên tục phát sáng, nhưng nguyên nhân của hiện tượng này vẫn còn là một bí ẩn khiến các nhà nghiên cứu đang nỗ lực tìm hiểu lý do.
Việc bộ não phát ra ánh sáng có vẻ kỳ lạ, nhưng thực tế là mọi vật chất trên thế giới đều phát ra photon, tức là một dạng ánh sáng nào đó. Tuy nhiên, phần lớn ánh sáng này nằm trong quang phổ mà mắt người không thể nhìn thấy.
Trong thực tế, đây không phải là một ý tưởng mới bởi từ những năm 1920, con người đã tranh luận về vai trò của biophoton trong cơ thể và trong giao tiếp tế bào. Các nhà nghiên cứu nhận định rằng sự phát sáng trong não có thể xuất phát từ các phản ứng sinh học phân tử, nơi năng lượng được tạo ra và dẫn đến sự hình thành các photon như một sản phẩm phụ.
Theo các nhà nghiên cứu, mối liên hệ giữa sự phát quang sinh học và hoạt động của não có thể chỉ ra vai trò sâu sắc hơn của ánh sáng trong chức năng não bộ. Về cơ bản, khi não tiêu thụ nhiều năng lượng, nó sẽ phát ra nhiều ánh sáng hơn và khiến cho não trở thành mô phát sáng mạnh nhất trong cơ thể.
Nghiên cứu mới này đã tập trung vào não bộ và phát hiện rằng não thực sự phát sáng nhờ vào việc sản xuất photon khi năng lượng được tạo ra. Đặc biệt, sự hiện diện của ánh sáng lớn hơn nhiều khi được quan sát trực tiếp trong não sống so với việc nghiên cứu các tế bào trên đĩa petri - một loại đĩa được làm bằng thủy tinh hoặc chất dẻo có dạng hình trụ mà các nhà sinh vật học sử dụng để nuôi cấy tế bào hay những cây rêu nhỏ.
Mặc dù nghiên cứu vẫn chưa cung cấp câu trả lời chính xác về vai trò của biophoton trong hoạt động của não hoặc giao tiếp tế bào, tuy nhiên nó đã mở ra một hướng đi mới cho các nhà khoa học trong việc tìm hiểu sâu hơn về bộ não con người.