Báo Guardian của Anh đưa tin, các nhà khoa học nước Ý nói rằng có một cái hồ lớn nằm bên dưới bề mặt cực Nam của Sao Hỏa. Cái hồ này dẫn đến một mạng lưới nhiều ao nước mặn nhỏ hơn. Nếu điều này là có thật, khả năng tìm thấy sự sống lại tăng cao hơn.
Đây là kết quả sau nhiều năm nghiên cứu của nhóm khoa học gia này. Hai năm trước, họ công bố về việc tìm ra dấu vết của một cái hồ lớn bị chôn vùi bên dưới bề mặt Sao Hỏa.
Sử dụng một thiết bị thăm dò xuyên qua lớp băng ở cực Nam của Sao Hỏa, các nhà khoa học mở rộng vùng nghiên cứu trong nhiều năm trong nỗ lực tìm hiểu rõ hơn về bề mặt hành tinh này.
Nhóm nghiên cứu sử dụng phương pháp tương tự như phương pháp đã dùng trên Trái Đất để dò tìm các hồ bị chôn vùi tại Nam Cực và quần đảo Greenland. Họ phát hiện một sự tương phản trong sóng âm dưới lớp băng tương tự các hồ nước phía dưới Greenland và lớp băng ở Nam Cực.
Theo các nhà khoa học, nước ở đây đáng lẽ đã đóng băng do nằm ở phía dưới lớp băng. Tuy nhiên, các loại muối như magie, canxi và natri có thể đã giúp cho hồ này tồn tại ở dạng lỏng. Những nguyên tố muối này từng được phát hiện ở nhiều nơi trên Sao Hỏa.
Theo ước tính, hồ nước mặn này có độ dài khoảng 20 - 30km ở vị trí sâu cách bề mặt băng Sao Hỏa khoảng 1 dặm (1,5km). Độ sâu của hồ ước tính ít nhất là 1m, bởi vì nếu cạn hơn thì máy dò đã không thể phát hiện ra.
Công cuộc đo đạc còn phát hiện ba ao nước nhỏ xung quanh hồ lớn. Mỗi ao có kích thước khác nhau và không liên quan đến hồ chính.
Lớp băng ở cực Nam của sao Hỏa được chụp thông qua kính viễn vọng.
Dù nhiệt độ ở vùng cực Nam nằm ở khoảng -113 độ C, tuy nhiên việc phát hiện ra nước khiến các nhà khoa học hi vọng rằng sẽ tìm được dạng sống trong các ao này, dù chỉ là ở dạng vi khuẩn. Nếu tìm ra, đó sẽ là phát hiện vĩ đại nhất, vén bức màn bí ẩn lâu nay chúng ta luôn thắc mắc rằng: Bên ngoài Trái Đất liệu có nơi nào có sự sống hay không?