Theo TechRadar, một báo cáo mới đã gợi ý rằng năng lượng hạt nhân có thể là một lựa chọn khả thi để cung cấp năng lượng sạch cho một số trung tâm dữ liệu lớn nhất thế giới.
Các nhà phân tích tại công ty nghiên cứu công nghệ Omdia lập luận rằng các lò phản ứng mô-đun nhỏ (SMR) có thể trở nên phổ biến trong những năm tới để cung cấp năng lượng cho các trung tâm dữ liệu, thay thế cho việc lấy điện trực tiếp từ lưới điện.
Những lò phản ứng SMR đã được sử dụng trong một số ngành công nghiệp trong nhiều năm qua, chẳng hạn như cung cấp năng lượng cho hơn 80 tàu ngầm của Hải quân Hoa Kỳ.
SMR tạo ra ít năng lượng hơn nhiều so với các cơ sở hạt nhân tiêu chuẩn, theo đó, lò phản ứng quy mô nhỏ này được đo bằng megawatt (MW) so với gigawatt (GW).
Theo Alan Howard, đồng tác giả của báo cáo đến từ Omdia, phát biểu với tờ The Register rằng để có được con số chính xác về mức tiêu thụ năng lượng của các trung tâm dữ liệu được sử dụng bởi các nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ đám mây là rất khó. Vì các công ty này thường không thực hiện việc thống kê cũng như không cung cấp những số liệu này một cách dễ dàng hoặc chính xác.
Theo ước tính, một trung tâm dữ liệu quy mô lớn điển hình có thể sử dụng khoảng 125MW điện, nghĩa là sẽ cần có 4 lò SMR nếu chúng tạo ra công suất 35MW trên mỗi cái.
Tuy nhiên, vấn đề cần lưu tâm là diện tích không gian cần thiết để chứa SMR, thường cần khoảng 200.000 feet vuông (khoảng 18580.608 mét vuông). Điều này có nghĩa là SMR sẽ chỉ khả thi đối với các mạng lưới trung tâm dữ liệu quy mô hàng đầu trên thế giới. Vì lý do này, báo cáo khuyến nghị chỉ sử dụng các lò SMR cho các trung tâm máy chủ yêu cầu công suất lên tới 100MW.
SMR sẽ cần có diện tích mặt bằng lớn để triển khai, nên chỉ thích hợp với các trung tâm quy mô lớn.
Nhưng Howard cũng gợi ý rằng các trung tâm dữ liệu có quy mô nhỏ hơn cũng có thể hợp tác với các ngành công nghiệp địa phương khác để tận dụng nguồn điện dư thừa. Ngoài ra, ông cũng tuyên bố rằng thậm chí các lò phản ứng nhỏ hơn, được gọi là lò phản ứng siêu nhỏ, có thể được sử dụng để cung cấp năng lượng dự phòng trong các trung tâm dữ liệu, thay thế cho pin và máy phát điện diesel hiện đang được sử dụng.
Một lĩnh vực đáng quan tâm khác luôn đi cùng với điện hạt nhân là sự an toàn. Howard và đồng tác giả Vladimir Galabov lập luận rằng do quy mô nhỏ của SMR, chúng tồn tại ít rủi ro hơn rất nhiều, cũng như đã khắc phục các vấn đề về thiết kế và an toàn của các lò phản ứng cũ.
Tuy nhiên, có một nhược điểm là các sản phẩm phóng xạ sẽ tồn tại trong một thời gian dài; chúng có độc tính cao và không có cách nào để loại bỏ, ngoài việc cất giữ chúng trong thùng và chờ đợi, có thể lên đến hàng nghìn năm, cho đến khi chúng trở nên an toàn.
Bên cạnh đó, mặc dù SMR không cần tiếp nhiên liệu thường xuyên - hiện tại có thể là khoảng 10 năm một lần và báo cáo tuyên bố các thiết kế mới hơn có thể tăng thời gian này lên 30 - 40 năm - nhưng SMR đã được phát hiện tạo ra lượng chất thải nhiều hơn 35 lần so với các nhà máy hạt nhân lớn.
Về mặt chi phí, theo NuScale, một công ty khởi nghiệp SMR, ước tính rằng trong vài năm nữa, các lò phản ứng của họ sẽ có giá từ 40 - 65 USD/MWh trong suốt vòng đời của chúng, gần bằng chi phí điện gió và khí đốt tự nhiên, xếp sau năng lượng mặt trời. Nhưng được biết cơ quan thông tin năng lượng của Mỹ đã dự kiến rằng năng lượng gió và khí đốt tự nhiên sẽ tăng giá lên, trong khi năng lượng mặt trời vẫn giữ nguyên trong những thập kỷ tới. Đây sẽ là một lợi thế cho SMR.
Có thể thấy, tương lai của SMR tương đối sáng sủa, với việc Ủy ban Điều tiết Hạt nhân (Nuclear Regulatory Commission) đã bật đèn xanh cho việc sử dụng chúng ở Mỹ. Tuy nhiên, theo Howard, trên thực tế, ông suy đoán rằng việc sử dụng SMR trong các trung tâm dữ liệu sẽ vào khoảng 10 - 15 năm nữa.