Trước đó không lâu, Zalo đã bổ sung thêm tính năng mã hóa đầu cuối (E2EE) nhằm bảo vệ các nội dung, tin nhắn của người dùng.
E2EE hiện đang được áp dụng cho các cuộc trò chuyện cá nhân và sẽ sớm có sẵn cho các nhóm dưới 10 thành viên. Người dùng có thể kích hoạt tính năng này trên ứng dụng di động, Zalo PC hay phiên bản web.
Đơn cử người gửi A soạn tin nhắn có nội dung “Thứ 6, họp cơ quan”, thông qua giao thức E2EE, ngay trên máy của người này dữ liệu được mã hóa thành những ký tự đặc biệt một cách ngẫu nhiên và không mang ý nghĩa, ví dụ “axP/Hn8hkhs-u10smIytTT=QQ”.
Sau đó, mã hóa được giữ nguyên suốt quá trình vận chuyển, cho đến khi người nhận B mở tin nhắn, nội dung mới được giải mã trên máy của người nhận B.
Mới đây, Zalo đã cập nhật tính năng E2EE trên iPhone, cho phép người dùng xem trước nội dung tin nhắn trên thông báo, tăng tốc và giảm lỗi trong suốt quá trình mã hóa tin nhắn.
Ngoài ra, bản cập nhật mới còn hỗ trợ người dùng chuyển tiếp tập tin giữa các cuộc hội thoại, không cần phải tải về như trước đây.
Để cập nhật tính năng E2EE, bạn có thể bấm vào thông báo của Zalo và chọn Nâng cấp ngay - Nâng cấp.
Bật tính năng mã hóa đầu cuối để bảo mật tin nhắn Zalo tốt hơn. Ảnh: MINH HOÀNG
Tiếp theo, người dùng chỉ cần chọn cuộc trò chuyện cần mã hóa đầu cuối và làm theo các bước hướng dẫn cho đến khi hoàn tất.
Chọn cuộc trò chuyện Zalo cần nâng cấp mã hóa đầu cuối. Ảnh: MINH HOÀNG
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể mở một cuộc trò chuyện bất kì, bấm vào biểu tượng menu ở góc trên bên phải, sau đó chọn Mã hóa đầu cuối - Nâng cấp, chờ một lát cho đến khi quá trình này hoàn tất.
Để hạn chế tối đa việc rò rỉ tin nhắn Zalo, bạn cũng nên đặt mã khóa bảo vệ ứng dụng bằng cách mở ứng dụng, chuyển sang mục Cá nhân - Tài khoản và bảo mật - Đặt mã khóa Zalo và kích hoạt tùy chọn Đặt mã khóa.
Đặt mã khóa để bảo vệ ứng dụng tốt hơn. Ảnh: MINH HOÀNG
Tiếp theo, bạn hãy thiết lập mã khóa gồm 4 con số để bảo vệ ứng dụng. Kể từ lúc này, người dùng phải nhập thêm mã khóa hoặc sử dụng vân tay để truy cập vào Zalo.