Campuchia và Thái Lan đồng loạt cảnh báo: Không chia sẻ hình ảnh quân sự lên MXH

Hành vi tưởng chừng vô hại này lại có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt trong lĩnh vực an ninh quốc gia.

Livestream: Khi người dân vô tình làm tiết lộ bí mật quân sự

Việc chia sẻ video, hình ảnh hay phát livestream tại các khu vực công cộng đang trở nên phổ biến chỉ với một chiếc smartphone. Tuy nhiên, hành vi tưởng chừng vô hại này lại có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt trong lĩnh vực an ninh quốc gia: Việc quay phim, chụp ảnh không kiểm soát tại các vùng có yếu tố quân sự có thể biến người dân thành công cụ tiếp tay cho hoạt động tình báo của nước ngoài.

Các chuyên gia và nhà báo uy tín cảnh báo, việc công khai chụp ảnh, livestream hoặc tiết lộ hình ảnh về khí tài quân sự trong chiến tranh có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến bí mật quân sự và an ninh quốc gia.

Chẳng hạn, Tom Roseth - một chuyên gia quân sự người Na Uy cho rằng, việc rò rỉ tài liệu hoặc hình ảnh liên quan đến các cơ sở hạ tầng quân sự là "một sự vi phạm an ninh nghiêm trọng" đối với quốc gia sở hữu các khí tài đó. Điều này cũng cho thấy sự nhạy cảm và nguy cơ mất bí mật khi các hình ảnh hoặc dữ liệu quân sự bị công bố rộng rãi.

Vào ngày 5/7, Thời báo Hoàn cầu dẫn lời Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc (MSS), đã phát đi cảnh báo về nguy cơ livestream vô tình lộ bí mật quốc phòng. Khi đó, một thương gia người Trung Quốc phát trực tiếp (livestream) để quảng cáo bất động sản ven biển nhưng không ngờ hậu cảnh trong các buổi livestream là một cảng hải quân trọng yếu. Trong suốt hai tháng rưỡi, người này thực hiện hàng chục buổi phát sóng dài hàng giờ, qua đó vô tình tiết lộ tình trạng neo đậu, di chuyển của tàu chiến, ảnh hưởng nghiêm trọng đến bí mật quốc phòng.

Vụ việc đã buộc lực lượng chức năng địa phương can thiệp, yêu cầu dừng hoạt động livestream, xóa toàn bộ video. MSS còn triển khai chiến dịch kiểm tra đặc biệt xung quanh khu vực cảng quân sự, yêu cầu các cơ sở dân sự như khách sạn, nhà nghỉ hoặc chung cư có tầm nhìn ra biển phải gắn biển cảnh báo “Cấm quay phim” và “Cấm điều khiển thiết bị bay không người lái”.

MSS cảnh báo, các video được chia sẻ công khai như vậy có thể bị cơ quan tình báo nước ngoài khai thác để phân tích vị trí, mô hình hoạt động quân sự và các điểm yếu an ninh.

Chính quyền Campuchia - Thái Lan đồng loạt cảnh báo chia sẻ hình ảnh quân sự

Bộ Quốc phòng Campuchia mới đây đã đưa ra các cảnh báo công khai trên truyền thông, mạng xã hội và các nền tảng cộng đồng, yêu cầu người dân, nhà báo và người dùng mạng xã hội không chia sẻ các hình ảnh, video nhạy cảm liên quan đến hoạt động di chuyển quân đội, đoàn xe quân sự hoặc vị trí khí tài và vũ khí trong bối cảnh căng thẳng biên giới với Thái Lan.

Hình ảnh quân đội Campuchia pháo kích về phía Thái Lan, xuất hiện trên các nền tảng mạng xã hội. (Ảnh: Bangkok Post)

Hình ảnh quân đội Campuchia pháo kích về phía Thái Lan, xuất hiện trên các nền tảng mạng xã hội. (Ảnh: Bangkok Post)

Thông tin này được các trang tin lớn như Khmer Times đăng tải lại và lan truyền mạnh trên các diễn đàn của người dân Campuchia.

Lý do cảnh báo là: “Việc phát tán hình ảnh chưa được xác minh hoặc thông tin nhạy cảm có thể gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia, ảnh hưởng đến hiệu quả và bí mật tác chiến của lực lượng vũ trang Hoàng gia Campuchia”.

Các nền tảng mạng xã hội Thái Lan xuất hiện nhiều cảnh báo và khuyến nghị từ quân đội và các cơ quan báo chí lớn, yêu cầu người dân không chụp ảnh, quay video hoặc livestream hoạt động di chuyển quân đội, đoàn xe quân sự gần biên giới hoặc khu vực nhạy cảm.

Phát ngôn viên quân đội nhấn mạnh: Việc lan truyền hình ảnh quân sự lên mạng có thể “gây nguy hiểm cho an toàn của binh lính, lộ chiến thuật hoặc vị trí chiến đấu và vô tình tạo điều kiện thuận lợi cho đối phương theo dõi, lợi dụng”.

Thực tế trên các mạng xã hội, chính quyền Thái Lan đã từng xử lý hoặc nhắc nhở các vụ livestream hoặc chụp ảnh nhạy cảm về quân đội trong các sự kiện căng thẳng tại biên giới.

Hệ lụy từ một chiếc video, hình ảnh gần khu vực quân sự

Theo các chuyên gia, phương tiện quân sự đều có thể trở thành nguồn tin tình báo giá trị cho phía đối phương. Khi đó, việc theo dõi dữ liệu do người dân chia sẻ trên mạng xã hội để phân tích hoạt động quân sự, là điều khó tránh khỏi.

Chẳng hạn, một đoạn video tưởng chừng đơn giản ghi lại khói súng hay âm thanh đạn pháo cũng có thể được dùng để định vị địa điểm bằng phần mềm phân tích chuyên dụng, từ đó dẫn đến rò rỉ vị trí pháo binh, điểm tập kết hoặc tuyến đường vận tải vũ khí. Thậm chí, vị trí đứng của người quay video cũng có thể bị định vị, gây nguy hiểm đến tính mạng cá nhân và cả cộng đồng xung quanh.

Ngoài việc tiết lộ vị trí, các video quay từ người dân cũng có thể khiến đối phương hiểu rõ chiến thuật tác chiến, nhịp độ triển khai và mức độ phòng bị của một đơn vị. Những chi tiết tưởng chừng nhỏ như thời gian di chuyển, loại phương tiện, hướng hành quân,… nếu bị tổng hợp từ nhiều video khác nhau có thể trở thành bản đồ hoạt động của lực lượng quân sự.

Trong chiến tranh hiện đại, khi đã có tọa độ thì tên lửa hay máy bay không người lái (drone) có thể dựa vào đó để dẫn đường, tiêu diệt mục tiêu một cách chóng vánh. Các thông tin này liên tục được nhắc tới trong chiến sự giữa Nga và Ukraine, khi drone "tự sát" đã phá hủy không ít mục tiêu quân sự của cả hai nước. Do đó, việc người dân sử dụng điện thoại quay lại nơi đóng quân, hầm hào hoặc hoạt động của binh sĩ rồi đăng tải công khai lên mạng là điều bị nghiêm cấm ở nhiều nơi.