Theo số liệu mới nhất từ Đài quan sát Mauna Loa của Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), nồng độ CO2 trong khí quyển đã đạt mức cao kỷ lục 426 ppm, đánh dấu mức tăng 4,7 ppm so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng CO2 hàng tháng lớn nhất từng được ghi nhận và là lời cảnh báo đáng lo ngại về tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng.
Cụ thể, dữ liệu từ đường cong Keeling (Keeling Curve) mới nhất được lấy tại Đài quan sát Mauna Loa của NOAA vào tháng 3/2024 cho thấy nồng độ trung bình hàng tháng của CO2 trong khí quyển hiện cao hơn so với năm ngoái.
Đường cong Keeling, được phát triển bởi nhà khoa học Charles David Keeling, là biểu đồ ghi lại sự tích tụ CO2 trong khí quyển Trái đất từ năm 1958. Dữ liệu từ Đường cong Keeling được thu thập liên tục tại Đài quan sát Mauna Loa trên đảo Hawaii và được coi là nguồn dữ liệu uy tín hàng đầu về nồng độ CO2 toàn cầu.
Mức tăng CO2 kỷ lục năm nay một phần là do hiện tượng El Nino kết thúc. El Nino là hiện tượng khí hậu toàn cầu gây ra biến động nhiệt độ bề mặt biển ở vùng xích đạo Thái Bình Dương, ảnh hưởng đến nồng độ CO2 trong khí quyển. Tuy nhiên, nguyên nhân chính cho xu hướng gia tăng CO2 trong dài hạn vẫn là do hoạt động của con người, đặc biệt là việc đốt nhiên liệu hóa thạch.
Dữ liệu từ đường cong Keeling mới nhất đưa mức CO2 lên đỉnh cao nhất từng được ghi nhận trong hàng triệu năm. Trong 6.000 năm đầu tiên của nền văn minh nhân loại, nồng độ CO2 ổn định quanh mức 280 ppm.
Các nghiên cứu gần đây cho thấy rằng khi bầu khí quyển có nồng độ CO2 tương tự như hiện nay, vào khoảng 14 triệu năm trước, thế giới đã phải chịu đựng những hậu quả biến đổi khí hậu đe dọa đến toàn bộ nền văn minh.
Nồng độ CO2 cao kỷ lục là lời cảnh báo về những hậu quả nghiêm trọng của biến đổi khí hậu. Các hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt, hạn hán, cháy rừng và nắng nóng gay gắt dự kiến sẽ gia tăng trong tương lai, gây ảnh hưởng nặng nề đến môi trường, kinh tế và xã hội.