Cảnh giác chiêu làm giả video call để lừa vay tiền qua Facebook

Thời gian gần đây có nhiều người trở thành nạn nhân của chiêu trò lừa đảo giả người quen để vay mượn tiền thông qua hình thức giả cuộc gọi video call.

Một nạn nhân kể lại, mới đây, qua Facebook, chị nhận được tin nhắn hỏi vay 20 triệu đồng từ một người bạn. Do số tiền lớn, chị đã cẩn thận gọi video call để xác minh danh tính người vay. Đầu dây bên kia bắt máy, có hiện hình ảnh chủ tài khoản nhưng chỉ vài giây là cuộc gọi bị gián đoạn. Nghĩ rằng đúng là bạn mình hỏi vay tiền, chị đã không ngần ngại chuyển tiền ngay vào một tài khoản ngân hàng mà người hỏi vay tiền cung cấp.

''Khi nhận được tin nhắn hỏi vay tiền của bạn, tôi cũng đã cẩn thận gọi video call lại để kiểm tra xem có phải bạn mình hay không thì thấy hình ảnh đúng là bạn mình. Tôi đã tin tưởng chuyển khoản luôn cho bạn vay. Nhưng đến tối, thấy trên trang cá nhân của bạn có đang bị kẻ gian hack Facebook đi hỏi vay tiền một số người. Tôi có gọi điện lại cho bạn để hỏi thì mới biết là mình đã bị lừa'', nạn nhân cho hay.

Theo nhận định của cơ quan công an, sau khi chiếm quyền truy cập tài khoản của người dùng mạng xã hội, đối tượng lừa đảo chuẩn bị sẵn một đoạn video được cắt ghép từ những hình ảnh đã được chủ tài khoản đăng tải trước đó. Quá trình thực hiện màn kịch giả cuộc gọi video call để vay tiền, kẻ xấu đưa đoạn video này lên trước camera điện thoại để chiếm được lòng tin của nạn nhân. Để không bị lộ, các cuộc gọi video call thường rất ngắn, chất lượng âm thanh và hình ảnh thường rất kém. Khi nạn nhân thắc mắc, lý do được các đối tượng đưa ra để chống chế thường là đang đi đường, mạng kém, đường truyền mạng không ổn định...

Trung tá Nguyễn Trọng Hà, Đội trưởng Đội 3, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết: ''Đây là thủ đoạn lừa đảo rất tinh vi, có thể xảy ra với bất cứ ai và tại bất cứ thời điểm nào. Các đối tượng có thể giả cuộc gọi video call để giả làm người thân vay tiền, giả làm con cái đang du học học nước ngoài gọi điện về cho bố mẹ nhờ chuyển tiền đóng học phí hay cũng có thể giả làm nhân vật nào đó khi kết bạn hẹn hò qua mạng để phục vụ cho các kịch bản lừa đảo mà chúng đã chuẩn bị sẵn''.

Quá trình thực nghiệm để điều tra, cơ quan công an cảnh báo, từ những hình ảnh có sẵn của người dân đăng tải lên trang cá nhân, với sự hỗ trợ của các ứng dụng cắt ghép, chỉnh sửa ảnh, tạo video clip đang xuất hiện tràn lan trên không gian mạng, chỉ qua vài thao tác đơn giản, đối tượng lừa đảo đã có thể tạo ra những hình ảnh cử động rất biểu cảm, sống động. Nếu chỉ thoáng qua, rất nhiều người không thể nhận biết được đó là những hình ảnh do phần mềm máy tính tạo ra.

Một phương thức khác mà các đối tượng lừa đảo cũng thường xuyên sử dụng là lập ra những tài khoản mạo danh với tên giống tên tài khoản thật. Tiếp theo các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo bằng cách nhắn tin hỏi thăm, tạo lòng tin với những người được kết bạn để hỏi vay tiền. Khi nạn nhân gọi video call để kiểm tra, chúng lại tiếp tục sử dụng phần mềm cắt ghép hình ảnh như trên để đánh lừa nạn nhân.

Cơ quan công an cũng khuyến cáo, giả cuộc gọi video call là chiêu trò đã nhiều lần được cảnh báo nhưng vẫn tiếp tục có không ít người sập bẫy. Nguyên nhân cũng xuất phát từ việc người dân để lộ quá nhiều thông tin cá nhân trên mạng xã hội như căn cước công dân, địa chỉ nhà riêng, cơ quan công sở. Đây chính là kẽ hở để kẻ gian dễ dàng xây dựng những kịch bản lừa đảo ngày càng tinh vi.