Giả mạo nhân viên ngân hàng mời nâng hạn mức tín dụng
Hình thức giả mạo nhân viên ngân hàng vốn không phải là mới, tuy nhiên, kẻ gian ngày càng áp dụng nhiều chiêu trò tinh vi hơn, khiến nhiều người dùng cẩn trọng vẫn có thể mắc bẫy.
Đầu tiên, kẻ gian sẽ giả mạo là nhân viên ngân hàng, gọi điện hoặc nhắn tin mời chào người dùng nâng hạn mức thẻ tín dụng. Sau đó, họ sẽ kết bạn Zalo và gửi cho bạn một liên kết giả mạo có địa chỉ đại loại như https://card-vpb.online, https://vpb-cardss.online…
Khi nhấp vào liên kết, bạn sẽ được chuyển đến một trang web giả mạo có giao diện tương tự như trang đăng nhập ngân hàng, yêu cầu nhập vào thông tin 16 số thẻ, mã CVV, ngày hết hạn, mã OTP… Nếu bạn làm theo, kẻ gian sẽ ngay lập tức có được thông tin thẻ tín dụng của bạn và thực hiện các giao dịch mua sắm.
Làm thế nào để hạn chế bị lừa đảo ngân hàng mùa cuối năm?
- Cảnh giác với các cuộc gọi, tin nhắn, email… yêu cầu truy cập các liên kết lạ.
- Ngân hàng không bao giờ gửi tin nhắn yêu cầu người dùng cung cấp các thông tin quan trọng, bao gồm số thẻ, mã OTP, số CVV2/CVC2 (3 số bảo mật ở mặt sau của thẻ tín dụng) hoặc bất kỳ thông tin cá nhân nào qua Zalo, Messenger, Telegram…
- Chủ động học cách nhận diện các liên kết an toàn. Ngoài ra, bạn cũng nên kiểm tra liên kết thông qua dịch vụ VirusTotal trước khi truy cập.
- Đặt mật khẩu mạnh cho tài khoản ngân hàng, nên có tối thiểu từ 12 ký tự trở lên, bao gồm chữ thường, chữ hoa, số và các ký tự đặc biệt.
- Bên cạnh đó, người dùng cũng không nên sử dụng một mật khẩu cho nhiều tài khoản. Thỉnh thoảng bạn nên thay đổi mật khẩu và sử dụng trình quản lý mật khẩu (Bitwarden, LastPass, 1Password…) để tiện hơn trong việc lưu trữ, không cần phải nhớ tất cả mật khẩu và tiết kiệm thời gian.
Sử dụng trình quản lý mật khẩu để tiện hơn trong việc quản lý. Ảnh: MINH HOÀNG
Danh sách một số trang web giả mạo ngân hàng bạn không nên bấm vào:
- https://vpbank.com.vn-cz.xyz
- https://vpbank.com.vn-tp.life
- https://cards-vp-thetindung.com/
- https://card-vpb.online
- https://vpb-cardss.online