Theo The Guardian, quả cầu lửa này to gấp 100 lần hệ Mặt Trời, sáng gấp 2 triệu lần Mặt Trời và chỉ trong 3 năm qua đã giải phóng năng lượng gấp 100 ngôi sao mẹ của chúng ta trong suốt vòng đời sẽ kéo dài 10 tỉ năm.
Vụ bùng nổ ánh sáng được phát hiện lần đầu tiên vào năm 2022 bởi sứ mệnh khảo sát bầu trời đêm Zwicky, một máy ảnh hiện đại gắn trên Kính viễn vọng Samuel Oschin của Đài quan sát Paloma ở California - Mỹ.
Nó sáng đến nỗi người ta tưởng rằng có một sao chổi chưa từng biết vừa bay ngang qua bầu trời Trái Đất, hoặc một siêu tân tinh - tức vụ nổ sao - ở cự ly khá gần.
Nhưng các tính toán sau đó khiến các nhà thiên văn choáng ngợp: Nguồn sáng bùng nổ đó cách chúng ta tận 8 tỉ năm ánh sáng.
Tiến sĩ Philip Wiseman, nhà thiên văn học từ Đại học Southampton (Anh), thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết các dữ liệu cũ cho thấy nguồn sáng đã tồn tại hơn 1 năm trước khi được chú ý vì tăng độ sáng đột ngột. Nó tiếp tục sáng rực rỡ trong 3 năm nay.
Họ tin rằng vụ bùng nổ - được đặt mã số AT2021lwx - là kết quả của một đám mây khí khổng lồ lớn hơn Mặt Trời hàng nghìn lần bất ngờ lao vào miệng một lỗ đen quái vật và không thể thoát ra.
Quá trình thảm khốc này đã khiến lỗ đen hóa thành một chuẩn tinh sáng chưa từng thấy, phát ra năng lượng khủng khiếp xuyên không - thời gian, khiến cả người Trái Đất ở rất xa cũng quan sát thấy.
Đây không phải hiện tượng sáng nhất từng được ghi nhận. Một vụ nổ tia gamma sáng hơn từng được phát hiện vào năm ngoái nhưng chỉ kéo dài vài phút. Quả cầu lửa này, sau 3 năm bùng nổ, vẫn đang tiếp diễn mạnh mẽ và tổng năng lượng giải phóng trong toàn quá trình sẽ còn lớn hơn rất nhiều.