CEO công ty 4.000 tỷ USD hối hận vì chọn sai ngành học năm 20 tuổi, thừa nhận học phần mềm đơn thuần là không đủ

Ông nhấn mạnh rằng nếu được quay lại thời điểm đó, ông sẽ dồn hết tâm huyết vào các môn học này.
CEO công ty 4.000 tỷ USD hối hận vì chọn sai ngành học năm 20 tuổi, thừa nhận học phần mềm đơn thuần là không đủ- Ảnh 1.

Tại hội nghị truyền thông tại Bắc Kinh, một phóng viên đã đặt câu hỏi cho CEO Nvidia: “Nếu Jensen Huang bây giờ là một sinh viên 20 tuổi tốt nghiệp năm 2025 với cùng tham vọng, ông sẽ chọn ngành học nào?”. Đáp lại, người đàn ông này không ngần ngại trả lời: “Đó phải là khối ngành khoa học tự nhiên, đặc biệt là vật lý và kỹ thuật vật lý”. Ông nhấn mạnh rằng nếu được quay lại thời điểm đó, ông sẽ dồn hết tâm huyết vào các môn học thiên về vật ký thay vì phần mềm đơn thuần, theo CNBC.

Lý giải cho quan điểm này, Huang chia sẻ rằng nền tảng khoa học vật lý đã giúp ông xây dựng cái nhìn đa chiều – từ lý thuyết cơ bản đến ứng dụng thực tế. Điều đó vô cùng quan trọng khi Nvidia phát triển GPU cho đồ họa, rồi sau này là nền tảng cho AI. Dù khởi đầu bằng phần mềm, ông nhận ra bản chất của sáng tạo đòi hỏi một cơ sở vững chắc, hiểu biết sâu về thế giới tự nhiên và quy luật vật lý.

Quan điểm của Huang phản ánh xu hướng hiện nay: AI và khoa học dữ liệu phụ thuộc rất nhiều vào phần cứng chuyên biệt như GPU và tương lai sẽ là sự kết hợp giữa lý thuyết vật lý, thiết kế chip, điện tử và kỹ thuật hệ thống. Nếu chỉ học phần mềm mà thiếu nền tảng vật lý, người trẻ có thể bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua công nghệ lõi.

CEO công ty 4.000 tỷ USD hối hận vì chọn sai ngành học năm 20 tuổi, thừa nhận học phần mềm đơn thuần là không đủ- Ảnh 2.

Đặc biệt, lời khuyên của Huang không chỉ giới hạn trong việc chọn ngành học: ông khuyến khích sinh viên ngày nay nên tiếp thu sớm AI, học cách tương tác với trí tuệ nhân tạo. Thành công sẽ chỉ đến nếu bạn am hiểu cả phần mềm, phần cứng và nguyên lý vận hành.

Có thể thấy, Jensen Huang không hô hào sáo rỗng về những thứ “thời thượng” như học code, phát triển ứng dụng di động hay học máy thuần túy – những lĩnh vực mà theo ông đã đến thời kỳ bão hòa kỹ năng. Thay vào đó, ông đề cao vai trò của các ngành khoa học nền tảng – nơi con người hiểu được cấu trúc, quy luật và động học của thế giới tự nhiên. Ông nhận định rằng các mô hình trí tuệ nhân tạo ngày nay – từ GPT, Gemini đến các hệ thống robot thông minh – đều không thể vận hành hiệu quả nếu không có một nền tảng phần cứng mạnh mẽ và thiết kế vi mạch tối ưu. Điều đó đồng nghĩa: những người hiểu cả vật lý, kỹ thuật điện tử, thiết kế vi kiến trúc và lập trình sẽ là lực lượng tiên phong thực sự trong làn sóng AI tiếp theo.

CEO Nvidia từng nhấn mạnh rằng AI đang bước vào giai đoạn thứ hai: từ trí tuệ ngôn ngữ (language intelligence) sang trí tuệ vật lý (physical intelligence). Các thế hệ AI kế tiếp không chỉ trả lời câu hỏi trên màn hình mà sẽ lái xe, thao tác robot, điều phối nhà máy và hỗ trợ các nhiệm vụ ngoài không gian. Những hệ thống như vậy sẽ cần đến các kỹ sư hiểu cách vật thể di chuyển, cách lực tác động, cách robot “nhìn” và phản ứng trong thế giới thực. Một lần nữa, vật lý lại trở thành nền tảng – không chỉ là công cụ lý thuyết mà là một ngôn ngữ mô tả tương tác thực tế, nơi AI sẽ tồn tại và phát triển.

Theo: CNBC