Chấn chỉnh tình trạng vi phạm pháp luật của các doanh nghiệp quảng cáo xuyên biên giới

Trước tình trạng quảng cáo tràn lan trên các trang tin điện tử, mạng xã hội với thông tin chưa được kiểm chứng về sản phẩm, dịch vụ do các tổ chức, cá nhân tự thực hiện và đăng tải, gây phản cảm và thiệt hại cho người sử dụng sản phẩm, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan đưa ra các giải pháp chấn chỉnh và ngăn chặn.

Ngăn chặn, gỡ bỏ hơn 1.000 video, fanpages và tài khoản vi phạm

Bộ TT&TT cho biết, thời gian qua, Bộ TT&TT cũng đã quyết liệt triển khai nhiều biện pháp nhằm chấn chỉnh tình trạng vi phạm về quảng cáo trên các báo điện tử, trang thông tin điện tử chính thống bao gồm: Rà soát, thu thập chứng cứ, xác lập hành vi vi phạm của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng lưới quảng cáo (Ad Network) quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam; Ban hành văn bản gửi các cơ quan báo chí, tổ chức, doanh nghiệp thiết lập mạng xã hội, trang thông tin điện tử tổng hợp và các doanh nghiệp kinh doanh dị vụ quảng cáo yêu cầu không để tái diễn tình trạng quảng cáo vi phạm xuất hiện trên báo chí điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội; Triển khai biện pháp cần thiết để kiểm duyệt chặt chẽ nội dung, vị trí, ngôn ngữ quảng cáo nhất là đường link quảng cáo đăng phát trên nền tảng của mình; Tổ chức họp và chấn chỉnh hoạt động của các doanh nghiệp quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam, yêu cầu các doanh nghiệp lớn trong nước và nước ngoài cam kết tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam.

Chấn chỉnh tình trạng vi phạm pháp luật của các doanh nghiệp quảng cáo xuyên biên giới - 1

Đến thời điểm hiện tại, Bộ TT&TT đã nhận được văn bản báo cáo và cam kết của 5 doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực này; Lập danh sách 30 mạng lưới quảng cáo xuyên biên giới hoạt động tại Việt Nam, trong đó phát hiện và phối hợp chặn thành công tên miền của 2 doanh nghiệp (Your Adchoices và Adbro) vi phạm nhưng không hợp tác theo yêu cầu; đồng thời, tiếp tục nghiên cứu giải pháp ngăn chặn triệt để hoạt động quảng cáo xuyên biên giới vi phạm pháp luật Việt Nam; Chuẩn bị phương án kỹ thuật chặn tên miền đối với các nền tảng quảng cáo xuyên biên giới có sai phạm mà không hợp tác hoặc không có đầu mối liên hệ. 

Ngoài ra, Bộ TT&TT đã chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với Cục An toàn vệ sinh thực phẩm - Bộ Y tế , Hội Bảo vệ động vật hoang dã... rà roát, tổng hợp các trường hợp quảng cáo vi phạm; Yêu cầu Facebook và Google ngăn chặn các quảng cáo vi phạm trên 2 mạng xã hội Facebook và Google. Trong các cuộc họp giữa 2 bên, các đơn vị chức năng của Bộ TT&TT cũng thường xuyên cảnh báo Facebook, Google về tình trạng vi phạm và yêu cầu 2 đơn vị này thực hiện các quy định của pháp luật Việt Nam về quảng cáo.

Kết quả ghi nhận từ đầu năm 2018 đến nay, Facebook đã thực hiên chặn, gỡ 330 fanpages liên quan đến quảng cáo game cờ bạc, game đổi thưởng trên Facebook; Gỡ bỏ 72 tài khoản, fanpages liên quan đến quảng cáo buôn bán vũ khí, vật liệu gây nổ. Google cũng đã thực hiện ngăn chặn 130 video quảng cáo mua bán, săn bắn động vật hoang dã nằm trong danh sách được bảo vệ; 500 video quảng cáo, hướng dẫn chế tạo vũ khí, vật liệu gây nổ.

Không quảng cáo sản phẩm chưa được cấp phép trên Youtube và Google

Mới đây, Cục Phát Thanh-Truyền hình và Thông tin điện tử-Bộ TT&TT đã phối hợp với Cục An toàn vệ sinh thực phẩm-Bộ Y tế yêu cầu Facebook, Google tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về quảng cáo, không cho phép quảng cáo trên Youtube và các dịch vụ của Google các loại thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, mỹ phẩm, cơ sở khám chữa bệnh ... chưa được Bộ Y tế cấp phép.  Kết quả là trong năm 2021, các đơn vị chức năng đã xử lý, ngăn chặn hơn 1.000 trang tin điện tử vi phạm, đăng tải các nội dung quảng cáo phản cảm, tiêu cực. 

Thời gian tới, Bộ TT&TT cho biết, sẽ tiếp tục giám sát hoạt động và cam kết tuân thủ pháp luật của 5 doanh nghiệp quảng cáo xuyên biên giới lớn đã có văn bản cam kết; ngăn chặn các doanh nghiệp quảng cáo xuyên biên giới vi phạm pháp luật Việt Nam. 

Tiếp tục đấu tranh, yêu cầu Facebook, Google ngăn chặn các quảng cáo vi phạm. 

Bộ TT&TT cũng sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quảng cáo, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm được quy định tại Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, có hiệu lực từ ngày 1/6/2021. Cùng với đó, hoàn thiện Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 185/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo, đặc biệt là nội dung về quảng cáo trên trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam theo hướng quy định cụ thể về trách nhiệm các bên tham gia; các hành vi vi phạm và chế tài xử lý đối với các đối tượng, hành vi quảng cáo xuyên biên giới. Hiện nay, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 181/2013/NĐ - CP đã được Bộ TT&TT trình Chính phủ để xin ý kiến. 

Ngoài ra, Bộ TT&TT cũng đang phối hợp với Bộ Y tế xây dựng quy chế phối hợp thanh tra, kiểm tra hoạt động quảng cáo sản phẩm dịch vụ thuộc lĩnh vực y tế; đề xuất Bộ Y tế tổ chức các cuộc thanh tra liên ngành diện rộng về quảng cáo để đánh giá thực trạng và đề xuất biện pháp để kịp thời chấn chỉnh hành vi vi phạm, làm lành mạnh hóa hoạt động quảng cáo.