Đầu tháng 10/2014, làng công nghệ đón nhận một thông tin gây sốc. Như một phần trong kế hoạch tái cấu trúc toàn bộ công ty, Google thành lập công ty mới được gọi là Alphabet và Google chỉ là 1 trong 6 nhánh con của công ty mẹ này. Cùng với đó, CEO đồng thời là đồng sáng lập công ty Lary Page sẽ lùi về phía sau để chuẩn bị cho “bức tranh lớn hơn”, nhường trách nhiệm cho cánh tay phải Sundar Pichai.
Cụ thể, từ nay Pichai phụ trách các sản phẩm cốt lõi của Google bao gồm tìm kiếm, bản đồ, nghiên cứu, Google+, Android, Chrome, cơ sở hạ tầng, quảng cáo và thương mại, Google Apps. Trước đây, ông chỉ chịu trách nhiệm bộ phận Android và Chrome.
Nhưng chưa dừng lại ở đó, sau 5 năm phát triển Google thành mảng mang lại lợi nhuận tốt cho toàn tập đoàn Alphabet, một lần nữa, Sundar Pichai lại khiến mọi người ngỡ ngàng. 2 đồng sáng lập Lary Page và Sergey Brin vừa tuyên bố họ sẽ rời khỏi mọi vị trí lãnh đạo công ty và giao cả cương vị CEO công ty mẹ Alphabet cho Sundar Pichai. Pichai sẽ song song nắm giữ 2 vị trí CEO quan trọng nhất tại cả Google và Alphabet.
Không quá gây chú ý nhưng việc vị CEO gốc Ấn Sundar Pichai lần lượt được nắm giữ những chức vụ đặc biệt quan trọng tại gã khổng lồ Alphabet với vốn hóa thị trường lên tới gần 900 tỷ USD khiến nhiều người phải tò mò về tài năng của ông.
Thực tế, đầu năm nay, diễn đàn hỏi đáp Quora xuất hiện chủ đề "Sundar Pichai làm gì để lên được vị trí cao nhất tại Google?". Cựu Giám đốc sản phẩm Google Chris Beckmann, đưa ra câu trả lời tương đối đầy đủ:
"Tôi chưa bao giờ báo cáo công việc lên Sundar hay trong nhóm của anh ấy, nhưng nhiều đồng nghiệp và bạn bè của tôi thì có. Ngoài đặc biệt tài năng và chăm chỉ như nhiều nhân viên khác, Sundar làm được những việc sau: Anh ấy đã dẫn dắt thành công những dự án 'khó nhằn' nhất của công ty gồm cả Chrome. Anh ấy sở hữu đội nhân viên tốt nhất trong nhóm tốt nhất ở công ty. Cuối cùng, Sundar là một người không thích gây hấn".
Tuổi thơ nghèo khó cùng giấc mơ Mỹ mong đổi đời
Sinh năm 1972 tại Timil Nadu, một trong 29 bang của Ấn Độ, nhà Pichai rất nghèo, cha ông - một kỹ sư điện đã phải dành tới 3 năm trời để mua cho gia đình một chiếc xe máy scooter. Cho tới tận năm 12 tuổi, nhà ông mới có chiếc điện thoại đầu tiên. Còn TV và ô tô đều là những vật phẩm quá xa xỉ với gia đình Pichai.
Khi Pichai giành được học bổng tại Stanford, tiền vé máy bay để đưa Pichai sang Mỹ còn nhiều hơn 1 năm lương của cha Pichai. Kể cả khi đã bước chân vào Stanford, Pichai vẫn vô cùng khó khăn, ông không đủ tiền để mua cặp đi học mới và buộc phải dùng một chiếc cặp cũ.
Khi được hỏi có tin vào giấc mơ Mỹ, Pichai cho biết, ông vẫn nghĩ Mỹ là "vùng đất của cơ hội".
"Tôi vẫn cho rằng điều đó đúng ở thời đại này. Nhưng theo tôi mọi người cần phải làm việc chăm chỉ để biến nó thành hiện thực".
Bộ óc thiên tài
Pichai có trí nhớ liên quan đến số học có thể nói là siêu phàm. Ông có thể nhớ tất cả những số điện thoại mình từng bấm từ bé đến giờ. Trí nhớ thiên tài này đã giúp Pichai trong công việc rất nhiều.
Cho đến tận bây giờ, những người thầy của ông vẫn phải thừa nhận rằng Pichai là sinh viên sáng dạ nhất họ từng dìu dắt.
Trước khi bắt đầu làm việc tại Google 11 năm trước, vị CEO gốc Ấn này đã thử sức tại Applied Materials, một công ty sản xuất chất bán dẫn và vị trí tư vấn quản lý toàn cầu của McKinsey & Company.
Gia nhập Google vào năm 2004, Sundar Pichai được giao nhiệm vụ phụ trách những sản phẩm khá thông dụng vào thời điểm bấy giờ như Google ToolBar, bộ công cụ Google Gear và Google Pack... Tháng 9/2008, Sundar cùng nhóm phát triển đã cho ra mắt trình duyệt Chrome và nhanh chóng đánh bại những đối thủ sừng sỏ khác bấy giờ như Mozila Firefox, Opera, Internet Explorer. Tài năng của Sundar Pichai đã được Google công nhận khi đưa ông lên vị trí đứng đầu bộ phận phát triển Chrome.
Đảm nhiệm vị trí giám đốc bộ phận Chrome tại Google, Sundar Pichai tiếp tục phát triển hệ điều hành Chrome OS cho netbook và desktop vào năm 2009. Thăng tiến như "diều gặp gió", Sundar trở thành phó chủ tịch phụ trách Chrome và Google Apps năm 2012.
Năm 2013, Sundar Pichai nhận thêm trọng trách mới: Lãnh đạo bộ phận phát triển nền tảng di động Android sau khi Andy Rubin - "cha đẻ" của nền tảng này rời Google.
Tài năng ấn tượng của Sundar Pichai tại Google khiến ông trở thành mục tiêu được Twitter săn đón. Dù được mời về làm giám đốc phụ trách sản phẩm tại Twitter - mạng xã hội lớn thứ 2 thế giới nhưng ông nhất quyết từ chối. Ngoài ra, Sundar cũng được nhắc đến như một ứng cử viên tiềm năng cho vị trí CEO Microsoft sau khi Steve Ballmer tuyên bố từ chức tháng 8/2013 (Satya Nadella - cũng là một người gốc Ấn đang nắm giữ vị trí này).
Chính đồng sáng lập Google là Larry Page cũng công khai dành những lời "có cánh" cho Sundar Pichai: "Sundar Pichai là một tài năng lớn, người phát triển những sản phẩm tuyệt vời. Anh ấy là một người yêu thích những canh bạc lớn. Hãy lấy Google Chrome làm ví dụ: Năm 2008, khi nhiều người hỏi rằng có thực sự cần một trình duyệt mới hay không, Sudar đã tin tưởng rằng điều đó là cần thiết. Giờ đây, trình duyệt này đã có hàng trăm triệu người sử dụng và phát triển một cách vô cùng nhanh chóng”.
Mang phẩm chất của một lãnh đạo xuất sắc
Ở đại bản doanh của Google, Sundar Pichai luôn được biết đến là người có tính cách mềm mỏng nhưng cũng rất dứt khoát bên cạnh khả năng đối ngoại tuyệt vời. Chính ông là người giữ cho mối quan hệ giữa 2 gã khổng lồ Google và Samsung tốt đẹp như hiện nay sau rất nhiều tranh cãi, kiện tụng. Tuy nhiên, Sundar cũng sẵn sàng thể hiện quyền lực của Google khi cần thiết: "Tại CES 2014 ông đã nói với giám đốc sản phẩm di động của Samsung rằng, Google sẵn sàng rút lui khỏi quan hệ đối tác smartphone bất cứ lúc nào".
Thời điểm đó, Pichai luôn xuất hiện trong những sự kiện lớn của Google, trở thành bộ mặt của cả công ty. Nhiều người còn ví von ông giống như "ông vua không ngai" tại Alphabet. Và bây giờ, sau khi được 2 đồng sáng lập tin tưởng, với vị trí CEO Alphabet, Sundar Pichai quả thực đã nắm trong tay "ngai vàng" ở tập đoàn này.
Là người nắm vị trí cao bậc nhất ở công ty nhưng Pichai luôn luôn thân thiện, vui vẻ, biết quan tâm lắng nghe những ý kiến của nhân viên và trả lời họ bằng tất cả tấm lòng. Ngay cả khi bị bao vây bởi hàng trăm nhà báo sau sự kiện Google I/O thì ông cũng vui vẻ trả lời tất cả những câu hỏi của họ - điều hiếm thấy ở những lãnh đạo cấp cao.