Trong thế giới ngày nay, thiên tài công nghệ Elon Musk dẫn đầu danh sách tỷ phú thế giới với khối tài sản trị giá 208,3 tỷ USD.
Vào đầu năm 2020, khối tài sản của ông chỉ bằng một phần mười so với ngày nay, với khối tài sản khi đó là 25,6 tỷ USD, thấp hơn tỷ phú Jeff Bezos và Mark Zuckerberg. Sự giàu có tăng vọt của Elon Musk đến từ số cổ phần ông có tại nhà sản xuất ô tô điện Tesla, Space X và Boring Company.
Kế sau Elon Musk lần lượt là các tỷ phú Bernard Arnault, Gautam Adani và Jeff Bezos… Nhưng những người này đều không phải đáp án cho câu hỏi "Ai là tỷ phú USD đầu tiên trên thế giới".
Jeff Bezos, Bill Gates, Warren Buffett hay Elon Musk đều không phải tỷ phú USD đầu tiên. Ảnh: Inc. Magazine.
Tỷ phú USD đầu tiên trên thế giới
Vào năm 1916, ông trùm kinh doanh người Mỹ John Davison Rockefeller đã đạt được danh hiệu tỷ phú nhờ sở hữu công ty dầu Standard Oil, hoạt động trong giai đoạn 1870-1911.
Tỷ phú Rockefeller luôn làm việc chăm chỉ. Ông làm rất nhiều công việc vặt vãnh, bao gồm nuôi gà tây và làm việc nhà cho hàng xóm, để kiếm bất cứ khoản tiền nào có thể. Vào năm 16 tuổi, ông có công việc đầu tiên là trợ lý kế toán cho Hewitt & Tuttle, nhưng phải bỏ học để đi làm.
Rồi hành trình vươn lên của Rockefeller bắt đầu vào năm 1870. Ông thành lập Công ty Standard Oil, sau này trở thành công ty độc quyền thống trị trong ngành dầu mỏ. Vào thời kỳ đỉnh cao, Standard Oil được đánh giá là công ty xăng dầu lớn nhất thế giới. Công ty kiểm soát 90% các nhà máy lọc dầu và đường ống của Mỹ vào đầu những năm 1880.
Chẳng bao lâu, sự lãnh đạo tài ba đã đưa nhà đồng sáng lập và chủ tịch John D. Rockefeller trở thành người Mỹ giàu có, đứng trong danh sách những người giàu nhất mọi thời đại.
Vào năm 1913, ước tính tài sản cá nhân của Rockefeller trị giá 900 triệu USD, chiếm hơn 2% GDP của Mỹ khi đó là 39,1 tỷ USD. Năm 1916, John D. Rockefeller, người từng là một đứa trẻ bỏ học và làm những công việc vặt vãnh để tồn tại, trở thành tỷ phú đầu tiên của nước Mỹ. Vào thời điểm qua đời năm 1937, tài sản của Rockefeller là 1,4 tỷ USD, trong khi tổng GDP quốc gia là 92 tỷ USD.
Dù đã qua đời, John D. Rockefeller vẫn được xếp hạng vào danh sách tỷ phú giàu nhất lịch sử. Người xưa có câu nói "Không ai giàu 3 họ". Nhưng gia đình nhà "vua dầu mỏ" Rockefeller là trường hợp ngoại lệ. Họ đã trở thành gia tộc tỷ phú đầu tiên trong lịch sử kéo dài hơn 100 năm và 7 thế hệ.
Theo Forbes ước tính đến năm 2016, khối tài sản của gia tộc Rockefeller trị giá hơn 11 tỷ USD. Cháu trai của John, David là tỷ phú sống lâu nhất (101 tuổi) trước khi qua đời vào năm 2017. Ngày nay, khối tài sản của Rockefeller được chia đều cho hơn 70 người thừa kế.
Ngoài khối tài sản kếch xù, John D. Rockefeller còn được biết đến là nhà hảo tâm. Trong suốt cuộc đời, ông đã cho đi hơn 500 triệu USD và là một trong những nhà hảo tâm lớn của khoa học y tế. Ngay cả khi 16 tuổi, làm công việc thư ký với đồng lương 50 xu/ngày, Rockefeller vẫn dành ra 6% thu nhập để làm từ thiện.
Ông cũng là người sáng lập Đại học Chicago và Đại học Rockefeller, tài trợ cho việc thành lập Đại học Central Philippine tại Philippines.
Người giàu nhất mọi thời đại
Không ngoa khi nói 208,3 tỷ USD của tỷ phú Elon Musk là mơ ước của nhiều người, nhưng đây chưa phải là con số kinh khủng nhất khi bàn về khối tài sản của các tỷ phú. Trong suốt lịch sử nhân loại, có một người đàn ông nắm chắc danh hiệu này, đó là Vua châu Phi Mansa Musa ở thế kỷ 14.
Trong cuộc đời mình, Vua Mansa Musa đã tích luỹ số của cải nhiều đến mức khó có thể tính chi tiết. Thậm chí, truyền thông mô tả sự giàu có của ông là "không thể tưởng tượng được". Sau khi điều chỉnh theo lạm phát, khối tài sản của Vua Mansa Musa trị giá trên 400 tỷ USD, nhiều hơn gần gấp 2 lần so với tỷ phú Elon Musk, giàu hơn bất kỳ ai ở thời trung cổ và ngày nay.
Ông lên ngôi vào năm 1312, khi vương quốc vốn đã thịnh vượng. Nhưng dưới sự lãnh đạo của ông, Mali thậm chí còn trở nên giàu có hơn. Trị vì vương quốc trải dài khắp châu Phi, vùng đất của Vua Mansa Musa sở hữu kho vàng dồi dào nhất thế giới và kiểm soát các tuyến đường thương mại quan trọng.
Theo History.com, Musa đã cho thấy quy mô thực sự của tài sản của mình trong một chuyến hành hương đến Mecca. Xung quanh ông là đoàn tùy tùng hàng chục nghìn người, 100 con lạc đà chở 136 kg vàng ròng. Cuộc hành hương này đã lan truyền tin đồn về sự giàu có của ông khắp Địa Trung Hải.
Theo USA Today, India Times
-
"Superman" Elon Musk: Từ khi thâu tóm Twitter số giờ làm việc tăng từ 78 lên 120 giờ/tuần, thản nhiên đón nhận áp lực từ tứ phía
-
Email đầu tiên Elon Musk gửi nhân viên Twitter: Xác nhận sa thải lượng lớn nhân viên, tạm thời đóng cửa toàn bộ các văn phòng để "dẹp loạn"
-
Nóng: Loạt thương hiệu từ Audi tới Pfizer đồng loạt ngừng quảng cáo trên Twitter vì Elon Musk