ChatGPT quá "quyền năng", các trường đại học phải thay đổi để thích nghi

ChatGPT có khả năng tạo ra những phản hồi giống con người một cách thuyết phục đối với hầu hết các câu hỏi.

Công ty OpenAI đã phát hành ChatGPT-4, phiên bản mới nhất của chatbot AI đầy quyền năng. Nó có khả năng tạo ra những phản hồi giống con người một cách thuyết phục đối với hầu hết các câu hỏi. Nếu như các phiên bản trước đây còn xuất hiện lỗi hoặc các gợi ý trả lời khó hiểu thì ChatGPT-4 ít gặp những vấn đề này hơn. Các câu trả lời đều có vẻ đủ khả năng vượt qua các bài kiểm tra ở nhiều lĩnh vực.

Người ta nghĩ rằng có thể dễ dàng phân biệt các tác phẩm của AI và của con người trong các công việc như viết lách sáng tạo, suy luận, xâu chuỗi nhiều loại thông tin khác nhau, nhưng không phải vậy. AI có thể viết những bài thơ, bài văn rất hay; và khi người dùng đặt ra gợi ý khéo léo, nó thậm chí có thể viết các bài luận chất lượng về triết học hay đạo đức sinh học.

Điều này khiến các trường đại học dấy lên lo ngại rằng sinh viên có thể vượt qua các bài kiểm tra mà không cần tự viết một từ nào, hay thậm chí không cần phải hiểu tài liệu ôn thi. Và đây không phải là nỗi lo trong tương lai bởi hiện tại, sinh viên đã bắt đầu nộp bài làm do AI tạo ra. Một số trường đã coi việc sử dụng chatbot AI là “gian lận”. Ví dụ như hệ thống trường công lập ở các bang New South Wales và Victoria, Úc đều đã cấm ChatGPT.

Nhưng lệnh cấm kiểu này rất khó thực thi. So với các hình thức đạo văn truyền thống, việc sinh viên sử dụng văn bản do AI tạo ra rất khó bị phát hiện, một phần vì phiên bản ChatGPT mới có khả năng tạo ra phản hồi mới mỗi lần người dùng nhập cùng một yêu cầu.

Về phần mình, OpenAI cùng với các công ty khác đang phát triển các công cụ để phát hiện “gian lận” liên quan đến AI, dù ở thời điểm hiện tại, các công cụ này đều dễ mắc lỗi và có thể bị “qua mặt” khi người dùng yêu cầu ChatGPT viết theo cách không thể truy vết được.

Trước vấn đề này, đội ngũ giáo sư và giảng viên của Đại học Monash (Úc) đã đưa ra cảnh báo về hai mối đe dọa chính mà các công cụ như ChatGPT gây ra. Đầu tiên là việc chúng đưa ra nội dung có vẻ hợp lý nhưng hoàn toàn không chính xác, tạo nên cái nhìn lệch lạc về thế giới. Đó là bởi ChatGPT không cố gắng đưa ra sự thật mà chỉ đơn thuần thực hiện nhiệm vụ là tạo ra những câu trả lời nghe có vẻ hợp lý hoặc có tính thuyết phục cho các câu hỏi được đặt ra.

Mối đe dọa thứ hai là việc lệ thuộc vào AI sẽ gây xói mòn các kỹ năng quan trọng. Đơn cử như việc viết luận có giá trị bởi nó giúp ta suy nghĩ thấu đáo về những khái niệm khó và tạo ra những ý tưởng mới. Viết lách không chỉ là hành động truyền tải suy nghĩ lên trang giấy mà đối với nhiều nhà văn - còn là một phần của quá trình lý luận. Nếu chúng ta phó thác việc viết lách này cho trí tuệ nhân tạo, thì sinh viên có thể đánh mất kỹ năng quan trọng này.

ChatGPT quá "quyền năng", các trường đại học phải thay đổi để thích nghi - 2

ChatGPT có thể là một công cụ hữu ích nếu chúng ta sử dụng đúng cách.

Vậy thì các trường đại học nên đối mặt với những thử thách này như thế nào? Các giáo sư và giảng viên đại học Monash cho rằng mấu chốt nằm ở sự minh bạch về cách thức sử dụng các công cụ AI và đề xuất 5 cách xử lý.

Dạy sinh viên khi nào nên và không nên dùng AI

ChatGPT có thể rất có ích trong việc hỗ trợ tạo ra ý tưởng, vấn đề nằm ở chỗ thông tin mà nó đưa ra có thể sai lệch nghiêm trọng. Cách giải quyết tốt nhất là dạy cho học sinh, sinh viên cách sử dụng công cụ AI, cách kiểm tra tính chính xác của thông tin mà AI đưa ra và hiểu về những hạn chế của AI.

Các trường đại học có thể phát triển các bài tập để sinh viên phân tích và phản biện chính các kết quả đầu ra của AI. Dù bài tập kiểu này có thể có tác dụng, nhưng chúng ta nên thận trọng với việc đặt AI làm trọng tâm vào việc dạy học. Tốt hơn hết là nên dạy cho sinh viên cách nhận biết những thông tin sai lệch.

Thiết kế các bài tập đánh giá chính xác thực lực

Nên nhớ rằng hầu hết chúng ta đều chọn học đại học xuất phát từ hứng thú nhất định đối với một lĩnh vực. Nhờ vào điều này, sinh viên có thể thấy ít bị cám dỗ hơn đối với việc nhờ cậy đến AI, nhất là khi họ trân trọng giá trị của việc tự hoàn thành các bài tập trong chương trình học.

Nhà trường có thể thiết kế các bài tập phù hợp với nghề nghiệp tương lai của sinh viên và làm rõ lợi ích của những bài tập này đối với sự phát triển sinh viên. Bài tập có liên quan chặt chẽ với sở thích, nâng cao hứng thú của sinh viên có thể thúc đẩy họ học tập chăm chỉ hơn mà không cần phó thác kiến thức của mình cho AI.

Mặc dù cách này có thể làm giảm mong muốn sử dụng AI của một số sinh viên nhưng nó không thể loại bỏ hoàn toàn nhu cầu nhờ cậy AI viết bài luận để tiết kiệm thời gian – đặc biệt là khi việc này không làm giảm (và thậm chí có thể nâng cao) điểm tổng kết của sinh viên. Do đó, vẫn cần thêm nhiều chiến lược khác nữa.

Cân bằng các bài tiểu luận với các loại bài tập khác

Mối lo ngại chính về việc sử dụng AI là sinh viên không thực sự hiểu bài tập ngay cả khi đã nộp bài. Vấn đề này có thể được khắc phục bằng cách cân bằng các bài tập viết với các loại bài tập khác.

Ví dụ, khi phải thuyết trình trực tiếp, sinh viên không thể dựa dẫm vào bất cứ công cụ AI nào. Do đó, việc tăng số lượng bài thuyết trình có thể là một lựa chọn lý tưởng giúp giảm thiểu vấn nạn lạm dụng AI.

Ngoài ra, có nhiều lý do chính đáng để các trường thay thế bài tập viết bằng các loại hình bài tập khác, đơn cử như kỹ năng giao tiếp - đây là kỹ năng rất có giá trị trong nhiều ngành nghề. Đồng thời, kỹ năng viết cũng sắp trở nên kém quan trọng hơn trước khi các công cụ như ChatGPT ngày càng được sử dụng rộng rãi để tạo ra các văn bản, cả trong và ngoài phạm vi lớp học.

Phát triển các bài tập “miễn nhiễm” với AI

Một chiến lược khác là áp dụng loại hình bài tập yêu cầu sinh viên thể hiện sự hiểu biết của mình mà không phụ thuộc vào nội dung bài viết đã nộp, hoặc các dạng bài tập nếu sử dụng AI có thể dễ dàng bị phát hiện. Hiện các trường đại học tại Úc đang cân nhắc việc khôi phục cách thức thi viết trên giấy.

Chiến lược này có thể có tác dụng nhưng cũng có nhược điểm. Bởi chúng ta đang trong quá trình chuyển đổi từ các bài kiểm tra viết trên giấy sang các bài đánh giá “thực lực” - tức các bài đánh giá kỹ năng mà sinh viên sẽ sử dụng trong môi trường thực tế. Hiện có rất ít nơi làm việc yêu cầu nhân viên phải viết tay mà không được kết nối Internet cũng như sử dụng trình xử lý văn bản.

Một cách khác là kết hợp các bài luận với thuyết trình và thảo luận ngay trong giờ học, có thể mô phỏng theo phương thức của công trình bảo vệ luận án nhưng được điều chỉnh cho nhẹ nhàng và ngắn gọn hơn. Phương thức này đòi hỏi sinh viên phải thực sự hiểu và có thể trình bày và bảo vệ những ý tưởng trong bài luận của mình - dù họ có sử dụng AI hay không.

Ngoài ra, nhà trường có thể tạo ra các đề bài mà ChatGPT khó có thể thực hiện tốt. Đơn cử, ChatGPT rất kém khi được hỏi về tính cạnh tranh của một cuộc tranh luận học thuật, vì kho dữ liệu của nó có rất ít tài nguyên kiểu này. Khi được yêu cầu đưa ra bằng chứng cho các tuyên bố của mình, ChatGPT cũng thường bịa ra các nguồn không tồn tại. Hiện tại, các bài tập yêu cầu nghiên cứu sâu về những công trình học thuật trong khoảng thời gian gần đây tương đối khó với AI. Tuy nhiên, phương thức này cần được cải tiến liên tục trong bối cảnh các chatbot AI liên tục được cải thiện về khả năng.

Chọn công cụ phù hợp với công việc

Các sinh viên chuẩn bị bước vào một thế giới nơi việc sử dụng các công cụ AI là hết sức phổ biến. Thật vậy, ChatGPT đã được liệt kê vào danh sách tác giả trên các bài báo học thuật gần đây, được các nhà báo và tác giả sử dụng. Chúng ta cần giúp sinh viên sẵn sàng cho một thế giới nơi có sẵn các công cụ như ChatGPT – và dạy họ cách sử dụng thành thạo các công cụ này. Về lâu dài, tiến bộ trong AI sẽ đặt ra những thách thức sâu sắc hơn nữa đối với các nhà làm giáo dục.

Trong tương lai không xa, ChatGPT và các công cụ tương tự có thể giỏi hơn hầu hết chúng ta trong việc viết lách. Khi đó, không rõ liệu sinh viên có bận tâm đến việc luyện tập kỹ năng viết hay không – và liệu nhà tuyển dụng có quan tâm đến việc này hay không.

Đội ngũ giáo sư và giảng viên Đại học Monash tin rằng nếu có thể làm tốt những điều trên, các trường đại học có thể tiếp tục giảng dạy và đánh giá các kỹ năng cốt lõi vốn là trọng tâm trong chương trình giảng dạy, ví dụ như nghiên cứu, lập luận và tư duy phản biện. Một thách thức sâu xa hơn mà AI đặt ra chính là liệu ngành giáo dục sẽ ra sao khi ngày càng có nhiều công cụ nhan nhản khiến chúng ta không còn nhu cầu rèn luyện những kỹ năng quan trọng nữa.