Năm 2011, khi Steve Jobs trao lại quyền lực cho Tim Cook , người ta lo ngại rằng đế chế Apple sẽ bị trật bánh khỏi đường ray. Khi đó, Táo khuyết chỉ có giá trị dưới 400 tỷ USD. Ngày nay, công ty này sắp chạm mốc 2.000 tỷ USD vốn hóa thị trường.
Làm thế nào để một người có 11 năm làm việc ở IBM, 6 tháng làm giám đốc cao cấp ở Compaq có thể biến Apple thành một đế chế lớn mạnh đến như vậy? Chắc hẳn có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng, nhưng một chi tiết nhỏ vừa được hé lộ gần đây phần nào giải thích tại sao chính Tim Cook chứ không phải ai khác, được Steve Jobs chọn làm người kế vị.
Chi tiết này được nhắc đến trong buổi điều trần hồi cuối tháng 7 của Hạ viện Mỹ với nhóm bộ tứ CEO quyền lực nhất nước Mỹ, trong đó có Tim Cook. Theo tài liệu được Bộ tư Pháp Mỹ cung cấp, khoảng tháng 01/2015, Tim Cook đã nhận được bức thư phàn nàn từ một nhà phát triển ứng dụng cho iOS.
Trong email, nhân vật giấu tên này tự nhận mình là một người "cuồng Táo", làm việc trong một công ty sở hữu hàng triệu người dùng iOS. Mặc dù luôn phải thích nghi với chính sách kiểm duyệt khắt khe và thay đổi "không biết đâu mà lần" của App Store, người này vẫn tỏ ra vui vẻ và hài lòng với Apple, cho đến khi ứng dụng 10 triệu lượt tải của công ty anh này bị gỡ xuống.
Rơi vào tình thế đường cùng và kháng cáo trong vô vọng, anh đành viết tâm thư rất dài gửi Tim Cook. Không rõ Tim Cook khi đó đã trả lời như thế nào, nhưng vị CEO Táo khuyết đã mau chóng chuyển tiếp nội dung bức thư cho 3 cấp dưới thân cận, các phó giám đốc cấp cao Eddie Cue, Phil Schiller, và Craig Federighi với chỉ một từ tiếng Anh duy nhất:
“Thoughts?” (tạm dịch: Nghĩ sao?)
Thư phàn nàn của đối tác gửi cho Tim Cook.
Thời điểm mà Tim Cook gửi đi bức thư là 9h tối chủ nhật. Ông không phớt lờ email phàn nàn của đối tác trong số vô vàn bức thư nhận được mỗi ngày, nhưng cũng không nóng vội yêu cầu giải trình hay xử lý vụ việc ngay lập tức.
Tim Cook có lẽ cũng giống Jeff Bezos, người luôn phải nhận thư phàn nàn từ đối tác mỗi ngày. Nhưng Cook không khiến cấp dưới sợ run người bằng một ký tự ‘?’ vô hồn như cách Bezos thường gửi mail. Thay vào đó, Tim Cook tìm kiếm sự chia sẻ ý kiến từ những cấp dưới một cách chân thành nhất.
Bằng cách đưa ra thông điệp ngắn gọn để tìm ra câu trả lời cho một vấn đề khó, đây chính là cách các nhà lãnh đạo cấp cao như Tim Cook thực hiện công việc của mình ở mức độ nhanh, gọn, lẹ nhất có thể.
Điều này phần nào phản ánh chính xác cách mà Tim Cook đối xử với các nhân viên ở Apple, như tờ nhật báo Wall Street Journal từng mô tả về vị CEO 60 tuổi này là "cẩn trọng, hợp tác và mưu lược".
Cách lãnh đạo của Tim Cook dường như là đối lập hoàn toàn với người tiền nhiệm Steve Jobs, người nổi tiếng với khả năng thao túng suy nghĩ người khác và biệt tài "bẻ cong thực tại". Mặc dù dẫn dắt Apple đi tiên phong ở kỷ nguyên điện thoại cảm ứng, bản thân Jobs khi còn sống cũng phải thừa nhận rằng trao đổi hợp tác không phải một trong những thế mạnh của ông.
Đó là lý do vì sao trước khi qua đời, Steve Jobs đã căn dặn người kế nhiệm Tim Cook: “Đừng hỏi tôi những gì phải làm. Hãy làm những gì ông cho là đúng”. Phần còn lại của câu nói ấy đã trở thành lịch sử.