Video của kênh Data is Beatiful giúp chúng ta hình dung được những biến động trên thị trường hệ điều hành di động từ năm 1999 tới 2019. PalmOS, nền tảng từng chiếm 73,94% thị phần vào năm 1999 dần thất thế rồi biến mất. Quý III/2001, PalmOS nắm 51,28% thị phần, Windows Mobile đứng sau với 31,3%. Symbian và BlackBerry OS xếp thứ ba và tư với 3,32% và 2,79% thị phần.
Năm 2002, cả PalmOS và Windows Mobile bắt đầu đánh mất thị phần vào Symbian. Đến quý I/2003, Symbian vượt qua Windows Mobile. 6 tháng sau đó, Symbian trở thành hệ điều hành số một thế giới với gần 35% thị phần. Quý I/2006, con số này tăng lên 60,08% thị phần. PalmOS xếp sau với 12,72%, Windows Mobile (9,25%), BlackBerry OS (8%).
Tháng 1/2007, khi Steve Jobs lần đầu giới thiệu iPhone, PalmOS bị đẩy xuống vị trí thứ ba còn Symbian vẫn đứng đầu với thị phần gần như không đổi. Quý II/2007, iPhone chính thức lên kệ, iOS chỉ giữ 0,64% thị phần. Cuối năm 2017, có sự xáo trộn trên bảng xếp hạng: Symbian dẫn đầu với 59% thị phần, Windows Mobile và BlackBerry cùng chiếm vị trí số hai, iOS đứng thứ ba và PalmOS về chót. Năm 2008, BlackBerry OS độc chiếm vị trí số hai, Symbian bắt đầu mất thị phần. Android xuất hiện lần đầu vào quý IV/2008, đứng thứ sáu. Thị trường có thêm đối thủ mới là webOS của Palm.
Sang quý II/2009, Android tiến lên vị trí thứ năm với 2,18% thị phần. Các hệ điều hành đứng đầu là Symbian (48,58%), BlackBerry (19,05%), iOS (13,71%). Motorola Droid, Nexus One giúp Android tăng hạng trong quý I/2010. Quý tiếp theo, Android vượt qua iOS, chỉ còn đứng sau Symbian và BlackBerry OS. Ba tháng sau, nền tảng này lại tiếp tục vượt BlackBerry. Cuối cùng, quý I/2011, Android chính thức đánh bại mọi đối thủ khác dành ngôi vương. Từ đó tới nay, chưa có nền tảng nào đánh bật được Android.
Tính đến quý III/2019, Android đang chiếm 85,23% thị phần, iOS có 10,63% thị phần. Symbian, BlackBerry và Palm đã “bay màu”.
Video các hệ điều hành di động phổ biến nhất từ năm 1999 đến 2019.