Tiến sĩ Marie Běhounková từ Đại học Charles (Cộng hòa Czech) trưởng nhóm nghiên cứu cho biết họ đã tìm hiểu mô hình chi tiết cách phần đá của Europa có thể uốn cong và nóng lên dưới lực hút của sao Mộc. Mô hình cho thấy nơi nhiệt tản ra và lớp phủ đá bên dưới đại dương ngầm của hành tinh có thể bị tan chảy, làm tăng khả năng xuất hiện núi lửa dưới đáy biển.
"Phát hiện của chúng tôi cung cấp thêm bằng chứng cho thấy đại dương dưới bề mặt của Europa có thể là một môi trường thích hợp cho sự xuất hiện của sự sống" – tiến sĩ Běhounková khẳng định.
Theo Sci-News, Europa – mặt trăng to lớn của Sao Mộc – có lõi trong cùng là một khối sắt lỏng, bao quanh là một lớp phủ đá, lớp tiếp theo là một đại dương ngầm, trên cùng là vỏ băng vĩnh cửu. Từ lâu các nhà khoa học NASA đã nghi ngờ đại dương ngầm này có thể chứa đựng sự sống ngoài hành tinh.
Để sống được, nó cần được sưởi ấm và cung cấp năng lượng bởi các hoạt động địa chất, bao gồm núi lửa. Trước đây, hoạt động địa chất trong hệ Mặt Trời chỉ được tìm thấy ở Trái Đất và một mặt trăng khác của Sao Mộc là Io. Tuy nhiên Io lại quá nhiều núi lửa và hoạt động quá mức, nên trở thành "địa ngục".
Nhóm nghiên cứu tim rằng núi lửa ngầm có nhiều khả năng xảy ra gần các cực của Europa - vĩ độ nơi tỏa ra nhiều nhiệt nhất. Núi lửa chính là nguồn cung cấp năng lượng cho hệ thống thủy nhiệt, tương tự Trái Đất. Chính những hệ thống thủy nhiệt nằm dưới đáy đại dương ở khu vực Hawaii hay Nam Cực của Trái Đất được cho là nơi khởi nguyên của sự sống, bắt đầu từ việc nước biển tiếp xúc với magma nóng, tạo ra năng lượng hóa học nuôi dưỡng những dạng sống sơ khai.
Nghiên cứu vừa công bố trên Geophysical Research Letters.