Liên quan tới công tác chuẩn hóa thông tin thuê bao di động, ông Nguyễn Phong Nhã - Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, sau khi bị khóa 1 chiều, đã có 520.000 thuê bao chuẩn hóa thông tin để được mở khóa. Như vậy, so với con số 1,67 triệu thuê bao bị khóa 1 chiều thì còn đó khoảng 1,15 triệu thuê bao chưa chuẩn hóa thông tin và đã bị khóa 2 chiều kể từ ngày 15/4.
Sau thời điểm bị khóa thuê bao 2 chiều, khách hàng sẽ không thể tự thực hiện chuẩn hóa thông tin thuê bao qua website/app như thời gian vừa qua. Tuy nhiên, các nhà mạng vẫn tiếp tục hỗ trợ mở khóa thuê bao cho các khách hàng có nhu cầu tại các điểm giao dịch trên cả nước. Để được hỗ trợ mở khóa thuê bao, xác minh thông tin, khách hàng cần mang theo các giấy tờ tùy thân như CCCD, hộ chiếu,… khi đến thực hiện giao dịch.
Nếu SIM của mình đã bị khóa 2 chiều, các thuê bao di động của VinaPhone, MobiFone, Viettel, Vietnamobile, iTelecom, ASIM và Wintel có thể tham khảo các kênh hỗ trợ chính thức của nhà mạng mà mình đang sử dụng để tìm hiểu thủ tục chuẩn hóa thông tin tại đây.
* Lưu ý: Sau ngày 15/5, các thuê bao bị khóa 2 chiều, không chuẩn hóa thông tin đầy đủ sẽ bị thu hồi số theo quy định.
Trước đó, trong buổi họp báo cung cấp thông tin về hoạt động của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) trong 3 tháng đầu năm 2023 và kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ trong thời gian tới, đại diện Cục Viễn thông đã cung cấp thông tin liên quan việc chuẩn hóa thông tin thuê bao di động, cơ chế đối soát online với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an.
Đại diện Cục Viễn thông ghi nhận, trong đợt chuẩn hóa thông tin thuê bao lần này, các doanh nghiệp di động đã triển khai tính năng chuẩn hóa thông tin thuê bao trên ứng dụng của điện thoại thông minh, trang web; mở thêm giờ tại các điểm giao dịch đông khách hàng, tăng cường nhân lực chăm sóc khách hàng, cá thể hóa việc chăm sóc khách hàng để tạo điều kiện, đảm bảo thông tin đầy đủ và ít ảnh hưởng nhất tới người sử dụng.
Phó Cục trưởng Cục Viễn thông đặc biệt cảm ơn sự vào cuộc của các cơ quan truyền thông tử phát thanh, truyền hình, báo giấy, báo điện tử, mạng xã hội,... đến hệ thống truyền thanh không dây đã đồng hành cùng Bộ TT&TT và các nhà mạng viễn thông trong hai tuần vừa qua với hàng loạt các tin bài hướng dẫn người sử dụng các cách thức chuẩn hóa thông tin thuê bao di động.
"Kết quả của đợt chuẩn hóa lần này cho thấy, người sử dụng đã ý thức được việc sử dụng số điện thoại được đăng ký thông tin chính chủ của mình rất quan trọng vì chiếc điện thoại thông minh ngày nay nặng chưa đầy 200 gram cùng với vô vàn tính năng quan trọng, hữu ích đã trở thành một phương tiện không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày", đại diện Cục Viễn thông đánh giá.