Tại buổi họp báo cung cấp thông tin về hoạt động của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) trong 3 tháng đầu năm 2023 và kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ trong thời gian tới, đại diện Cục Viễn thông đã cung cấp thông tin liên quan việc chuẩn hóa thông tin thuê bao di động, cơ chế đối soát online với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an.
Theo ông Nguyễn Phong Nhã - Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, qua đối soát thông tin trong cơ sở dữ liệu (CSDL) thông tin thuê bao của doanh nghiệp với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, phát hiện còn 3,84 triệu thuê bao có thông tin thuê bao chưa trùng khớp giữa CSDL tại doanh nghiệp di động và Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư.
Dẫn báo cáo của các doanh nghiệp viễn thông, ông Nhã cho biết, đến hết 31/3/2023, trong tổng số 3,84 triệu thuê bao đã có 2,17 triệu thuê bao, chiếm 56,49% thực hiện chuẩn hóa sau khi nhận được thông báo; 1,67 triệu thuê bao (43,51%) chưa thực hiện chuẩn hóa theo thông báo đã bị tạm dừng dịch vụ một chiều gọi đi, gửi tin nhắn theo quy định.
Trong 5 ngày đầu tháng 4, các doanh nghiệp viễn thông vẫn tiếp tục ghi nhận khoảng 226.000 thuê bao (chiếm 13,5%) đã bị khóa một chiều đến thực hiện chuẩn hóa để mở lại dịch vụ, ông Nhã thông tin.
Như vậy, theo tính toán của PV, trung bình mỗi ngày qua (từ ngày 1 - 5/4) đã có thêm khoảng 45.200 thuê bao chuẩn hóa thông tin/ngày sau khi SIM bị khóa một chiều. Nếu tốc độ này vẫn giữ nguyên trong giai đoạn từ ngày 6 - 15/4 thì sau ngày 15/4, dễ tính sẽ có khoảng 1 triệu thuê bao bị chuyển sang khóa 2 chiều.
Nếu SIM của mình đã bị khóa 1 chiều (chiều gọi đi) trong ngày 1/4, chủ các thuê bao này vẫn có thể chuẩn hóa thông tin qua kênh trực tuyến hay tại điểm giao dịch để hoạt động lại bình thường theo các đường link hướng dẫn bên dưới:
- Hướng dẫn chuẩn hóa thông tin cho thuê bao MobiFone.
- Hướng dẫn chuẩn hóa thông tin cho thuê bao VinaPhone.
- Hướng dẫn chuẩn hóa thông tin cho thuê bao Viettel.
Ngoài ra, các thuê bao di động của Vietnamobile, iTelecom, ASIM và Wintel có thể tham khảo các kênh chính thức của nhà mạng mà mình đang sử dụng để chuẩn hóa thông tin tại đây.
Đại diện Cục Viễn thông ghi nhận, trong đợt chuẩn hóa thông tin thuê bao lần này, các doanh nghiệp di động đã triển khai tính năng chuẩn hóa thông tin thuê bao trên ứng dụng của điện thoại thông minh, trang web; mở thêm giờ tại các điểm giao dịch đông khách hàng, tăng cường nhân lực chăm sóc khách hàng, cá thể hóa việc chăm sóc khách hàng để tạo điều kiện, đảm bảo thông tin đầy đủ và ít ảnh hưởng nhất tới người sử dụng.
Phó Cục trưởng Cục Viễn thông đặc biệt cảm ơn sự vào cuộc của các cơ quan truyền thông tử phát thanh, truyền hình, báo giấy, báo điện tử, mạng xã hội,... đến hệ thống truyền thanh không dây đã đồng hành cùng Bộ TT&TT và các nhà mạng viễn thông trong hai tuần vừa qua với hàng loạt các tin bài hướng dẫn người sử dụng các cách thức chuẩn hóa thông tin thuê bao di động.
"Kết quả của đợt chuẩn hóa lần này cho thấy, người sử dụng đã ý thức được việc sử dụng số điện thoại được đăng ký thông tin chính chủ của mình rất quan trọng vì chiếc điện thoại thông minh ngày nay nặng chưa đầy 200 gram cùng với vô vàn tính năng quan trọng, hữu ích đã trở thành một phương tiện không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày", đại diện Cục Viễn thông đánh giá.
Đối với câu hỏi về việc các nhà mạng lớn trên thế giới đề xuất phương án chính sách viễn thông chia sẻ công bằng, đấu tranh với công ty "big tech" để chia sẻ chi phí hạ tầng, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, hiện đúng là trên thế giới đang có xu thế này.
Ông Nhã đánh giá, các nhà mạng viễn thông đã phải đầu tư lớn cho hạ tầng, cho vận hành khai thác, số thuê bao lớn nhưng doanh thu, lợi nhuận ngày càng đi xuống vì người dùng chuyển sang sử dụng dịch vụ OTT xuyên biên giới. Đây là một áp lực lớn cho các doanh nghiệp viễn thông.
Do đó, ông khẳng định, dự thảo Luật Viễn thông sửa đổi sẽ có những nội dung liên quan đến các vấn đề này nhằm đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng đồng thời đảm bảo doanh nghiệp có thể hoàn vốn và đầu tư cho các dịch vụ mới.