Nghiên cứu dẫn đầu bởi tiến sĩ James O'Donoghue, nhà khoa học hành tinh từ JAXA (Cơ quan Vũ trụ Nhật Bản), trước đây từng là một nhà khoa học nổi tiếng của NASA.
Theo Bussiness Insider, những hình ảnh tiến sĩ O'Donoghue mới đăng tỉa đã cho thấy 7 vành đai khổng lồ bao quanh xích đạo của Sao Thổ với một chuyển động nhịp nhàng. "Theo một cách nào đó, hệ thống vành đai này giống như một hệ Mặt Trời mini. Các vật thể ở gần quỹ đạo Sao Thổ quay nhanh hơn nếu không chúng sẽ bị rơi vào trong, trong khi các vạt thể ở xa có thể quay chậm hơn. Điều này tương tự như các hành tinh trong các hệ sao khác" – tiến sĩ O'Donoghue nói.
Tờ Science Alert cho hay nghiên cứu này cũng chỉ ra những vành đai khổng lồ của Sao Thổ đang quay với tốc độ trung bình là gần 70 lần tốc độ âm thanh, nhưng mỗi vòng có một tốc độ riêng, y như cách 8 hành tinh của hệ Mặt Trời quay theo 8 tốc độ độc lập. Vòng chậm nhất của Sao Thổ là vòng ngoài cùng, quay với tốc độ 16,4 km/giây, chậm hơn cả tốc độ tự quay của Sao Thổ. Trong khi đó vòng trong cùng có thể đạt tốc độ tới 23,2km/giây.
Sao Thổ với những "vòng nhẫn" danh tiếng - Ảnh: NASA
Tuy nhiên các vòng của Sao Thổ vô cùng mong manh. Tổng khối lượng của 7 vòng chỉ bằng 1/5.000 khối lượng mặt trăng của chúng ta. Các nhà khoa học nghi ngờ rằng hệ thống này có thể có nguồn gốc từ mảnh vụn của một số mặt trăng hoặc sao chổi cổ đại đến quá gần và bị vỡ ra. Ước tính những vành đai này chỉ mới xuất hiện 100 triệu năm trước, cùng thời với giai đoạn hoàng kim của loài khủng long trên Trái Đất.
Khi nghiên cứu bầu khí quyển lớp trên của Sao Thổ, họ cũng nhận thấy các vành đai đang dần dần bị chính hành tinh nuốt mất, với hàng nghìn kg vật liệu vành đai đổ xuống hành tinh mỗi giây. Vì thế, hệ thống vành đai giống "hệ Mặt Trời" mini này khó lòng tồn tại quá 300 triệu năm nữa.