Tại Việt Nam hiện có ba trình duyệt phổ biến gồm Sfive, Cốc Cốc và Chim Lạc (phát triển dựa trên mã nguồn Chromium) bị ảnh hưởng bởi lỗ hổng bảo mật.
Trả lời về vấn đề trên, đại diện Cốc Cốc cho biết ngay sau khi nhận được thông tin về lỗ hổng bảo mật này, công ty đã rà soát, phát hiện và chủ động xây dựng bản cập nhật mới nhằm khắc phục vấn đề này cho tất cả người dùng vào đêm 4-11-2019.
Cũng giống như các trình duyệt khác, Cốc Cốc sẽ hiển thị cảnh báo khi người dùng khi truy cập nhầm vào các trang web độc hại. Danh sách này sẽ được cập nhật liên tục theo dữ liệu của Google (https://safebrowsing.google.com/).
Để cập nhật trình duyệt lên phiên bản mới nhất, bạn hãy bấm vào biểu tượng ba chấm ở góc trên bên phải và chọn Settings (cài đặt) - About Chrome/Cốc Cốc, chờ một lát để tải về bản cập nhật mới và nhấn Relaunch (khởi động lại).
Đối với người dùng macOS, bạn chỉ cần mở trình duyệt, bấm vào menu Chrome/Cốc Cốc ở góc trên bên trái, chọn About Google Chrome/Cốc Cốc và chờ một lát để quá trình cập nhật hoàn tất. Lưu ý, những ai đang sử dụng phiên bản Beta hoặc Canary cũng nên cập nhật lên phiên bản mới.
Bên cạnh đó, nếu đang sử dụng Firefox, người dùng cũng nên cập nhật lên phiên bản 68 hoặc cao hơn để vá lỗ hổng.
Cụ thể, khi truy cập nhầm vào các trang web độc hại, kẻ gian sẽ hiển thị popup cảnh báo giả mạo với nội dung có dạng: “Máy tính của bạn đã bị khóa vì sử dụng bản quyền Windows bất hợp pháp. Chúng tôi ngăn chặn máy tính này vì sự an toàn của bạn, yêu cầu liên hệ với số điện thoại xxx để được hỗ trợ”.
Những cửa sổ này sẽ liên tục hiển thị kể cả khi bạn đã tắt, đồng nghĩa với việc người dùng sẽ không thể chuyển sang tab (thẻ) mới hoặc làm bất cứ việc gì khác.
Để giải quyết vấn đề, bạn cần phải tắt trình duyệt Firefox theo cách thủ công thông qua Task Manager của Windows (bấm phải chuột lên Tarkbar và chọn Task Manager) hoặc nhấn tổ hợp phím command - option - Esc, chọn Firefox và nhấn Force Quit (đối với macOS).
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, nếu chẳng may mở nhầm lại trang web khi nãy, bạn sẽ lại tiếp tục bị mắc kẹt với hàng loạt cửa sổ xác nhận liên tục xuất hiện.