Mới đây, trên mạng xã hội xôn xao câu chuyện 1 cô gái bị mất điện thoại, sau đó kẻ gian đã chuyển hết tiền từ tài khoản MoMo của nạn nhân sang tài khoản của mình. Nhiều người đặt nghi vấn về thực hư của câu chuyện cũng như bàn tán xôn xao về kẽ hở của việc bảo mật từ ngân hàng cho đến các loại hình ví điện tử hiện nay.
Bài đăng đang thu hút nhiều sự chú ý trên mạng xã hội
Bên dưới bài đăng đính kèm giao dịch bị chuyển từ kẻ cắp
Cụ thể, theo chia sẻ của nạn nhân, cô bị mất điện thoại iPhone 11 Pro Max. Sau đó, kẻ gian đã lấy điện thoại của cô thực hiện giao dịch trên ví điện tử MoMo để chuyển tiền về tài khoản ngân hàng của mình. Số tiền mất mác lên đến hơn 30 triệu đồng (10 triệu đồng tiền mặt và hơn 20 triệu đồng giá trị điện thoại).
Khi liên lạc với ngân hàng, vì lý do bảo mật nên ngân hàng không thể cung cấp thông tin chủ tài khoản. Cơ quan Công an cũng không thể giải quyết vì không có thông tin số tài khoản ngân hàng của kẻ gian. Hiện tại, về phía ví điện tử MoMo đã tiến hành cung cấp cho nạn nhân số tài khoản, tên, địa chỉ, CMND và số điện thoại.
Tuy nhiên, nhiều người đặt ra nghi vấn: Tại sao kẻ gian có thể chuyển tiền được từ chính tài khoản MoMo của nạn nhân, khi từ ví điện tử đến ngân hàng đều có bảo mật khá cao.
Còn nhiều nghi vấn!
(Có thể) Kẻ gian đã tháo sim từ chiếc điện thoại bị mất. Sau đó lấp sim vào 1 chiếc điện thoại khác và đăng nhập vào MoMo theo số điện thoại nạn nhân.
Tiếp đến, kẻ gian sẽ thông báo với MoMo "quên mật khẩu", để nhận lại mật khẩu qua chính số điện thoại đó của nạn nhân.
Trong MoMo, thường các tài khoản ví điện tử đã được liên kết với tài khoản ngân hàng. Kẻ gian chỉ cần nạp tiền vào ví sau đó thực hiện giao dịch chuyển khoản là số tiền đó chính thức "không cánh mà bay".
Tuy nhiên, qua xác minh, hiện nay muốn nhận lại mật khẩu trên ví MoMo, bạn phải cung cấp được số CMND và tên ngân hàng liên kết chứ không đơn giản chỉ cần cung cấp số điện thoại. Nhưng trước đó, khi MoMo chưa update bảo mật thì trường hợp trên nghi vấn có thể xảy ra.
Trường hợp khác, nạn nhân nhiều khi đã sử dụng điện thoại 1 cách chủ quan khi không cài mật khẩu máy, hoặc sử dụng mật khẩu quá đơn giản như "1234", "0000", nên mới khiến vụ việc trên xảy ra.
Cần cung cấp CMND để lấy lại mật khẩu ví điện tử. Trước nhiều vụ đánh cắp tài khoản, các ví điện tử đang ngày càng nâng cao mức độ bảo mật của mình
Sau câu chuyện đó, nhiều vấn đề được đặt ra để giải quyết vấn nạn khi mất điện thoại để giảm thiểu tối đa mất mác.
- Lập tức gọi lên tổng đài khoá sim. Để đảm bảo kẻ gian không sử dụng được sim của bạn để thực hiện các giao dịch, hoặc các bảo mật được gửi về số điện thoại như mã OTP, mật khẩu ví điện tử...
- Cài đặt mã PIN cho sim. Đây là vấn đề cần thiết. Tuy nhiên chúng ta đều bỏ qua. Mã PIN SIM là dãy ký tự gồm 4 chữ số. Khi mã PIN được kích hoạt thì người dùng phải nhập mã PIN sau khi khởi động lại điện thoại hoặc lắp SIM qua điện thoại khác. Đây là tính năng giúp tăng cường bảo mật cho các thông tin liên quan đến SIM của bạn.
- Nếu bạn sử dụng iPhone, nên bật chế độ định vị khi mất. Nếu điện thoại được mở lên, bạn sẽ biết chính xác vị trí điện thoại bị mất. Nếu kẻ gian không mở điện thoại, đồng nghĩa sẽ không thể sử dụng các ứng dụng ngân hàng, ví điện tử của bạn trên điện thoại được.
- Liên lạc tạm khoá tài khoản ngân hàng để hạn chế những rủi ro khác.
Hãy nâng cao cảnh giác của bản thân để tránh rơi vào trường hợp tương tự các bạn nhé!
Nguồn ảnh: Internet