Cộng hòa Séc cấm DeepSeek vì lo ngại an ninh mạng và liên hệ với chính phủ Trung Quốc

Dù cấm phần lớn hoạt động của DeepSeek, Cộng hòa Séc vẫn chừa lại một số ngoại lệ.

Chính phủ Cộng hòa Séc đã chính thức cấm hầu hết các sản phẩm của DeepSeek, công ty Trung Quốc chuyên phát triển mô hình ngôn ngữ lớn (LLM), vì lo ngại an ninh mạng và nguy cơ chia sẻ dữ liệu người dùng với Bắc Kinh.

Theo Cơ quan An ninh mạng và Thông tin Quốc gia Séc (NÚKIB), quyết định này được đưa ra sau một cuộc điều tra dựa trên các thông tin công khai, tài liệu mật, cũng như dữ liệu do các đối tác trong và ngoài nước cung cấp. NÚKIB kết luận rằng việc sử dụng các sản phẩm của DeepSeek được cho là "mối đe dọa an ninh mạng” đối với quốc gia.

Cộng hòa Séc cấm DeepSeek vì lo ngại an ninh mạng và liên hệ với chính phủ Trung Quốc

Chính phủ Cộng hòa Séc đã chính thức cấm các sản phẩm của DeepSeek

DeepSeek bị cáo buộc có quan hệ mật thiết với Bắc Kinh

DeepSeek được thành lập vào năm 2023 và chỉ thực sự gây chú ý khi ra mắt ứng dụng chatbot trên nền tảng iOS và Android toàn cầu vào tháng 1/2025. Nhờ những tối ưu hóa cấp thấp giúp tiết kiệm tài nguyên, sản phẩm của họ nhanh chóng vượt qua ChatGPT trên bảng xếp hạng App Store. Tuy nhiên, điều này cũng khiến công ty rơi vào tầm ngắm của các cơ quan an ninh phương Tây.

NÚKIB dẫn một loạt luật pháp Trung Quốc, bao gồm Luật An ninh Quốc gia, Luật Tình báo và Luật Chống gián điệp, cho rằng những quy định này buộc các công ty trong nước phải chia sẻ dữ liệu người dùng với chính quyền — bất kể người dùng đó ở đâu. Cơ quan này nhấn mạnh rằng DeepSeek và công ty mẹ High-Flyer có “mối liên hệ mật thiết với chính phủ Trung Quốc”, vốn từng bị cáo buộc tiến hành các chiến dịch gián điệp chống lại Cộng hòa Séc.

Làn sóng cấm lan rộng toàn cầu

Cộng hòa Séc không phải là quốc gia duy nhất đưa ra lệnh cấm DeepSeek. Theo NÚKIB, các lệnh hạn chế tương tự đã được áp dụng tại nhiều bang của Hoa Kỳ như New York, Texas và Virginia, cùng với các quốc gia bao gồm Úc, Canada, Đan Mạch, Ấn Độ, Ý, Hà Lan, Na Uy, Hàn Quốc và Đài Loan. Hải quân Hoa Kỳ và NASA cũng đã ban hành lệnh cấm sử dụng DeepSeek. Chính phủ Hoa Kỳ hiện đang thúc đẩy các biện pháp mạnh tay hơn nhằm ngăn chặn hoàn toàn sản phẩm này kể từ tháng 2.

NÚKIB khẳng định: “Dựa trên danh sách các quốc gia đã hành động, có thể thấy rằng mối lo ngại về DeepSeek không chỉ đến từ khác biệt văn hóa hay vị trí địa lý, mà là kết quả từ việc đánh giá rủi ro khách quan và thực tế.”

Cộng hòa Séc cấm DeepSeek vì lo ngại an ninh mạng và liên hệ với chính phủ Trung Quốc 2

Chính phủ Hoa Kỳ hiện đang thúc đẩy các biện pháp mạnh tay đối với Deepseek kể từ tháng 2.

Một số ngoại lệ được cho phép

Các nhà nghiên cứu bảo mật và người dùng mô hình mã nguồn mở được phép tiếp tục sử dụng các sản phẩm DeepSeek – với điều kiện không có bất kỳ sự tương tác nào với máy chủ của công ty. Điều này buộc các cá nhân và tổ chức tại Séc phải tự lưu trữ mô hình thay vì sử dụng hạ tầng của DeepSeek.

Giới quan sát dự đoán các quốc gia khác sẽ tiếp tục hành động tương tự trong thời gian tới, khi lo ngại về việc lạm dụng AI cho mục đích gián điệp ngày càng gia tăng.