Nhiều hoạt động đứt gãy do đại dịch
Biến thể mới của virus SARS-CoV-2 vừa qua buộc nhiều nơi ở Việt Nam phải thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, nhằm phòng chống dịch và bảo đảm an toàn cho người dân. Tuy nhiên, điều này lại gây ảnh hưởng mạnh tới hoạt động của các doanh nghiệp ở mọi quy mô: Sản xuất bị đình trệ, thậm chí nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa do gián đoạn chuỗi cung ứng.
Theo ông Nguyễn Duy Minh - Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp và Dịch vụ logistics Việt Nam, hiện ngành logistics Việt ở tình trạng “một ổ - bốn chìa”: Thứ nhất, lái xe vận tải cần có giấy xét nghiệm âm tính theo quy định của Bộ Y tế. Thứ hai, xe vận chuyển phải có mã QR nhận diện luồng xanh theo quy định của Bộ GTVT. Thứ ba, hàng hóa vận chuyển phải là hàng hoá thiết yếu theo quy định của Bộ Công Thương. Và Thứ tư là các chốt phòng dịch của địa phương.
Bên cạnh đó, việc tuân thủ theo quy định “3 tại chỗ” cũng trở thành thách thức đối với nhiều nhà máy, doanh nghiệp trong thời gian dài khi phải đảm bảo đầy đủ các điều kiện cần thiết cho người lao động như điều kiện ăn, ở, cơ sở vật chất,...
Theo khảo sát gần đây do IHS Markit thực hiện với 400 doanh nghiệp sản xuất, do gián đoạn trong chuỗi cung ứng, thời gian đình trệ trong việc giao hàng đã đạt mức kỷ lục trong vòng 10 năm. Ngành may mặc là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp trong ngành này đứt gãy đến 90%, theo ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam.
Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) dự báo có thể sẽ xảy ra một nghịch lý về cung - cầu trong thị trường lao động sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Dự kiến chỉ có khoảng 60 - 70% số lao động quay trở lại làm việc (sau khi nhiều người ồ ạt về quê do mất việc trước đó), dẫn đến thiếu hụt nhân lực tại các thành phố lớn và các khu công nghiệp; trong khi lại dư thừa lao động tại những nơi có nguồn cung lao động lớn như các vùng sản xuất nông nghiệp.
Bên cạnh đó, ảnh hưởng kéo dài của đại dịch khiến nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ chịu ảnh hưởng nặng nề, không còn khả năng tài chính để tạo đà phục hồi khi sản xuất trở lại trạng thái bình thường. Chính vì vậy, doanh nghiệp cần chủ động tìm ra lời giải trước khi chờ đợi giúp đỡ từ các đơn vị khác.
Internet vạn vật, AI và máy học
Những vấn đề mà kinh tế Việt Nam phải đối mặt trong giai đoạn giãn cách xã hội đã chứng minh tầm quan trọng của việc xây dựng một chuỗi cung ứng vững mạnh và phát triển logistics theo hướng bền vững, có giá trị lâu dài. Đầu tư vào công nghệ là một trong những giải pháp cạnh tranh, giúp giảm bớt áp lực lên nguồn nhân lực, giảm thiểu chi phí dài hạn, đồng thời bắt kịp xu thế trong ngành để tăng cơ hội phát triển.
Công nghệ sẽ giúp logistics hiệu quả khi trở lại trạng thái bình thường mới. (Ảnh minh họa)
Theo bà Fon Supannakul - Phó Chủ tịch phụ trách Sản phẩm tại Quincus Việt Nam, thế giới đang bước sang kỷ nguyên của chuỗi cung ứng 4.0 cùng ứng dụng sâu rộng của các công nghệ mới như Internet vạn vật (Internet of Things), trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence) hay máy học (Machine Learning), không chỉ trong sản xuất mà cả trong việc phân phối hàng hoá.
"Nếu như việc tích hợp công nghệ vào hệ thống chuỗi cung ứng trước kia được cho là chỉ dành cho các doanh nghiệp lớn có nguồn lực đủ mạnh thì hiện nay, một số công ty đã cung cấp nhiều giải pháp thuận tiện, đơn giản hơn và tiết kiệm chi phí", bà Fon Supannakul nhận định.
Một số ứng dụng công nghệ phục vụ chuỗi cung ứng và logistics là: Tối ưu hóa thời gian của người vận chuyển và xác thực địa chỉ tự động; xây dựng và tự động hóa quy trình thông qua tối ưu hóa lịch trình và phân bổ tuyến đường xe tải, tàu hoả, máy bay; giúp tiết kiệm thời gian với khả năng hiển thị theo thời gian thực cho từng đơn vận chuyển và số hóa các quy trình trên giấy;...
Bà Fon Supannakul dẫn chứng nhiều doanh nghiệp Việt đã bắt đầu tích hợp những “module” công nghệ này vào hoạt động kinh doanh, tiêu biểu có doanh nghiệp cung cấp dịch vụ giao hàng đã tăng năng suất lên tới 63%, giảm 37% lượng nhân lực cần sử dụng thông thường.
Có thể nói, công nghệ trong chuỗi cung ứng và logistics hiện nay là một trong những giải pháp tối ưu, giúp doanh nghiệp trang bị được nền tảng tốt hơn để phục hồi và thích ứng với những tình huống không thể lường trước như dịch bệnh, cũng như đáp ứng những nhu cầu thay đổi của thị trường.