Màn hình OLED đang thống trị phân khúc màn hình cao cấp, nhưng sắp tới đây chúng có thể sẽ phải nhường chỗ cho một công nghệ mới: QDEL. Còn được gọi là nanoLED, QDEL là công nghệ phát xạ ánh sáng trực tiếp từ các chấm lượng tử (quantum dot) được kích hoạt bằng dòng điện và không cần đèn nền. Nhờ vậy, màn hình QDEL có nhiều ưu điểm so với OLED.
Theo đó, QDEL có thể đạt độ sáng cao hơn nhiều so với OLED, mang lại hình ảnh sống động và rõ ràng hơn, đặc biệt là trong môi trường có ánh sáng mạnh. Bên cạnh đó, công nghệ mới sẽ bền bỉ và ít bị ảnh hưởng bởi hiện tượng lưu hình ảnh (burn-in) hơn so với OLED. Cuối cùng, chi phí sản xuất QDEL dự kiến sẽ thấp hơn so với OLED, giúp giảm giá thành sản phẩm và khiến cho QDEL trở nên phổ biến hơn.
Nanosys, nhà cung cấp hàng đầu về chấm lượng tử, đang dẫn đầu trong việc phát triển công nghệ QDEL. Họ đặt mục tiêu thương mại hóa QDEL vào năm 2026. Tuy nhiên, với vai trò là nhà cung cấp, họ phụ thuộc vào các nhà sản xuất như Sharp, Sony và LG để đưa công nghệ này vào các sản phẩm thương mại. Do đó, người dùng có thể phải đợi thêm một thời gian nữa mới được trải nghiệm các thiết bị tích hợp QDEL.
Các chuyên gia dự đoán QDEL sẽ có tác động lớn nhất đến thị trường TV, màn hình máy tính và ngành công nghiệp ô tô. QDEL có thể mang đến trải nghiệm hình ảnh vượt trội so với OLED hiện nay với mức giá cạnh tranh hơn, khiến cho chúng trở thành lựa chọn hấp dẫn cho người tiêu dùng.