Công nghệ Mỹ vẫn dẫn top đầu bất chấp Huawei "hồi sinh"

Theo tuyên bố của Bộ trưởng Thương mại Mỹ, Trung Quốc vẫn đi sau Mỹ nhiều năm bất chấp chip đột phá của Huawei.

Vào hôm Chủ nhật vừa qua, trên chương trình “60 Minutes” của CBS News, Bộ trưởng Thương mại Mỹ - bà Gina Raimondo đã thẳng thắn "chê" đột phá vi mạch mới nhất của Huawei Technologies. Bà cho rằng Mỹ vẫn vượt xa Trung Quốc về công nghệ quan trọng.

Nhà lãnh đạo này cũng khẳng định, các hạn chế của chính quyền Tổng thống Joe Biden đối với việc bán chip cho Trung Quốc đang có hiệu quả bất chấp một con chip tiên tiến sản xuất tại Trung Quốc đã xuất hiện trên điện thoại Huawei vào năm ngoái.

Trong cuộc phỏng vấn, bà Raimondo cho hay:

“Trung Quốc đã chậm hơn nhiều năm so với những gì chúng tôi có ở Mỹ. Chúng tôi có chất bán dẫn tinh vi nhất trên thế giới. Trung Quốc vẫn chưa có. Chúng tôi đã đổi mới hơn Trung Quốc”.

Huawei đã nằm trong danh sách đen của Mỹ vào năm 2019. Tuy nhiên, hãng này vẫn phát hành điện thoại thông minh Huawei Mate 60 Pro vào tháng 8, trang bị chip có khả năng kết nối 5G. Đây được xem là một kỳ tích sau một loạt biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ. Chiếc điện thoại này ra mắt khi bà Raimondo đang có chuyến thăm tới Trung Quốc.

Trước chuyến đi, có thông tin cho rằng các hacker có liên hệ với Trung Quốc đã truy cập vào email của bà Raimondo. Bộ trưởng Thương mại Mỹ khẳng định sẽ tiếp tục theo đuổi các hành động để bảo vệ an ninh quốc gia và các doanh nghiệp của Mỹ.

Theo một quan chức cấp cao của Bộ Thương mại, đối tác sản xuất chip SMIC của Huawei “có khả năng” vi phạm luật pháp Mỹ khi cung cấp chip tiên tiến cho Huawei.

Huawei Mate 60 Pro.

Huawei Mate 60 Pro.

Kể từ khi phát hành Huawei Mate 60 Pro, Mỹ đã thắt chặt hơn nữa các hạn chế đối với việc bán công nghệ bán dẫn tiên tiến sang Trung Quốc.

Mặt khác, các quan chức Trung Quốc đã nhiều lần đưa ra các chính sách yêu cầu giấy phép cho mọi công ty trên toàn thế giới bán sản phẩm có công nghệ chip tiên tiến cho các công ty Mỹ.

Nhiều công ty sản xuất chip của Mỹ, vốn chủ yếu dựa vào Trung Quốc để kinh doanh cũng bày tỏ lo ngại về việc mất khả năng tiếp cận thị trường.

Raimondo cho biết:

“Chúng tôi muốn giao dịch với Trung Quốc về phần lớn hàng hóa và dịch vụ nhưng đối với những công nghệ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia của chúng tôi thì không.”

"Cuộc đua" chip toàn cầu bùng nổ sau khi căng thẳng giữa Nga - Ukraine xảy ra vào năm 2022, khiến Mỹ và các đồng minh như Hà Lan và Nhật Bản phải thắt chặt kiểm soát xuất khẩu công nghệ tiên tiến. Trước đó, theo CNBC, Nga đã mua lại công nghệ tiên tiến của phương Tây thông qua các nước trung gian như Trung Quốc.

Bộ Thương mại Mỹ cũng đã giám sát việc phân bổ Đạo luật CHIPS and Science Act (Khoa học và CHIPS) trị giá gần 53 tỷ USD của chính quyền Tổng thống Biden, nhằm xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn nội địa của Mỹ và cạnh tranh với các "đối thủ" như Trung Quốc.

Trong những tuần gần đây, hàng tỷ USD tài trợ và khoản vay đã được dành cho các nhà sản xuất chip TSMC , Samsung Electronics và Micron Technology, tất cả đều giúp tăng năng lực sản xuất ở Mỹ.

Trao đổi với CNBC, bà Raimondo khẳng định, tất cả số tiền tài trợ được phân bổ cho Đạo luật CHIPS and Science Act sẽ được gửi đi vào cuối năm nay.