Hiện tại, chính phủ Nhật Bản đang kêu gọi người tiêu dùng và các doanh nghiệp trong nước tham gia tích cực hơn vào các biện pháp kiềm chế dịch bệnh Covid-19, người mua hàng không còn cách nào khác là thông qua các trang thương mại điện tử và hạn chế đến mức thấp nhất việc trực tiếp đến các cửa hàng.
Thủ tướng Shinzo Abe đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở Tokyo và các khu vực đô thị khác hồi đầu tuần này. Theo đó, hàng loạt công ty như Fast Retailing, Isetan Mitsukoshi Holdings Ltd. và nhiều nhà bán lẻ khác tạm thời đóng cửa hoặc cắt giảm giờ hoạt động trong khi các cửa hàng tạp hoá và các dịch vụ thiết yếu khác vẫn được duy trì.
Trung tâm mua sắm Shibuya 109 tạm thời đóng cửa vì dịch bệnh COVID-19. Ảnh: Bloomberg.
Trước tình hình dịch bệnh, mua bán trực tuyến đã tăng mạnh ở Mỹ, Trung Quốc và nhiều quốc gia khác, khi nhiều người lựa chọn các trang mạng để mua sắm các nhu yếu phẩm, quần áo, thiết bị và các mặt hàng khác.
Ở Nhật Bản thì câu chuyện này hoàn toàn khác. Quần đảo này cho đến nay không thực hiện việc đóng cửa triệt để - biện pháp khiến nền kinh tế bị đình trệ ở nhiều nước, trong khi giao dịch thương mại điện tử ở quốc gia này từ lâu đã được đánh giá là thấp nhất trong số các nền kinh tế phát triển. Chỉ có khoảng 7% giao dịch được thực hiện trực tuyến trong năm 2018, theo thống kê của chính phủ.
"Đây có thể là lần đầu tiên nhiều người dùng nhận thấy được giá trị của thương mại điện tử. Sau khi nạn dịch COVID-19 qua đi, nhiều người sẽ tham gia vào thị trường online tại Nhật Bản hơn", theo Takeshi Mori, nhà nghiên cứu tại viện nghiên cứu Nomura, Nhật Bản.
Đây có lẽ là thông tin khả quan cho chính phủ Nhật Bản trong bối cảnh nước này đang đẩy mạnh việc thanh toán điện tử, thúc đẩy các doanh nghiệp nước này tiếp cận với công nghệ phục vụ bán lẻ mới. Nhu cầu mua sắm online ngày càng tăng có thể là cú huých cho các nhà bán lẻ truyền thống đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số nhằm thu hút khách hàng. Tỷ lệ mua sắm trực tuyến ở Nhật Bản thua xa Mỹ và thậm chí tụt lại phía sau so với Trung Quốc, nơi mà 1/5 các giao dịch đều được thực hiện trực tuyến.
Shun Iwata, 51 tuổi, trước khi bùng phát dịch bệnh có thói quen ăn uống bên ngoài và mua sắm ở các cửa hàng. Lo ngại về bảo mật thông tin đã khiến ông tránh xa các trang web trên mạng. Tuy nhiên, giờ đây, Shun Iwata xem mua sắm qua mạng là dịch vụ thiết yếu và đã đăng ký tài khoản Amazon tháng trước. Lúc đầu ông tìm mua một số khẩu trang và chất diệt khuẩn bởi vì các cửa hàng xung quanh đều "cháy hàng", nhưng giờ thì sở thích của Shun Iwata là tìm kiếm thêm nhiều vật dụng gia đình linh tinh khác. "Có rất nhiều thứ bạn có thể mua online, mà bạn không thể nào thấy ở cửa hàng bình thường", Shun Iwata nói.
Trung tâm thương mại Isetan ở Shinjuku ngày 1 tháng 4. Ảnh: Bloomberg.
Rakuten, Inc. – một công ty thương mại điện tử Nhật Bản cho biết doanh số bán hàng online của họ trong những tháng gần đây tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù người đại diện của công ty này từ chối đưa ra số liệu cụ thể, nhưng cho biết các mặt hàng thiết yếu đều được bán rất ổn định.
"Khoảng thời gian này là ‘cơ hội vàng' cho thương mại điện tử", theo Takeshi Okazaki, giám đốc tài chính của Fast Retailing, phát biểu tại Hội nghị cổ đông của công ty trong tuần. "Chưa hề có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy sự sụt giảm nhu cầu thương mại điện tử và chúng ta đang đối mặt với khó khăn trong việc theo kịp dịch vụ vận chuyển và logistics".
Mặc dù vậy, doanh số tăng lên cũng khó lòng bù đắp cho thâm hụt ở các cửa hàng truyền thống, chưa kể đến những ảnh hưởng do suy giảm kinh tế tác động đến nhu cầu tiêu thụ của người dân. Hầu hết những nhà bán lẻ lớn cho biết họ đã chuẩn bị để đối mặt với những "sóng gió" phía trước.
Ryuichi Isaka – Giám đốc điều hành của Seven & i Holdings, cho biết công ty đang xem xét đưa ra các dịch vụ mới, ví dụ như một hệ thống có thể giúp người dùng rút ngắn thời gian mua sắm tại cửa hàng.
Câu hỏi đặt ra là liệu người người tiêu dùng có giữ thói quen mua sắm online khi mà cuộc khủng hoảng này đi qua. Một cuộc khảo sát đã được tiến hành vào giữa tháng 3, khi thực thi "ở nhà" tương đối được nới lỏng, chỉ có 10% số người được hỏi trong độ tuổi từ 20 đến 60 lựa chọn mua sắm trực tuyến. Con số này có lẽ đã tăng trong tháng 4 khi mà số ca nhiễm COVID-19 tăng mạnh, đặc biệt là tại Tokyo.
Số ca nhiễm ở Tokyo chiếm 1/4 trong tổng số khoảng 4.000 trường hợp được ghi nhận tại Nhật Bản. Hầu hết mọi người lựa chọn mua đồ và các mặt hàng thiết yếu khác tại các cửa hàng gần nhà vì nó thường nhanh và dễ dàng hơn mua sắm online. Trước khi bùng phát dịch bệnh, các khu vực thương mại sầm uất như Shibuya, Shinjuku và Ginza thường tấp nập người đến mua sắm quần áo, sách vở, thiết bị điện tử và các mặt hàng khác.
Trong khi các nhà chức trách địa phương thiếu "công cụ pháp quy" để buộc đóng cửa các cửa hàng bán lẻ, nhiều doanh nghiệp đã tự nguyện đóng cửa hoặc cắt giảm giờ hoạt động của họ. Lưu lượng bán lẻ tại Tokyo đã giảm 63% so với mức bình thường tháng trước, theo dữ liệu phân tích của Google.
Ngay cả trước khi ban bố tình trạng khẩn cấp, trong tháng 3, các nhà điều hành đã phải đối mặt với sự sụt giảm doanh số ở mức 2 con số, nhưng doanh thu thông qua các kênh trực tuyến thì tăng cao, đặc biệt là các sản phẩm làm đẹp. Điển hình là Công ty United Arrows Ltd có doanh thu thông qua kênh online tăng 24% trong khi doanh thu tại các cửa hàng giảm 39% trong cùng tháng.
Takahiro Kazahaya – nhà phân tích tại Credit Suisse trích dẫn trong báo cáo gần đây rằng trong những giai đoạn khó khăn trước đây ở Nhật Bản, như trận động đất năm 2011 đã làm thay đổi hành vi người tiêu dùng và làm tăng thị phần thương mại điện tử.
Có nhiều phán đoán cho rằng thanh toán điện tử sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa trong thời gian tới. Mặc dù người tiêu dùng và doanh nghiệp Nhật Bản trước giờ vẫn ưa chuộng cách thức thanh toán bằng tiền mặt, nhưng ngày càng có nhiều người tận dụng những khoản giảm giá ưu đãi thông qua thanh toán điện tử. Ngoài ra, nhiều người cũng lo sợ việc sử dụng tiền giấy hoặc tiền xu sẽ khiến họ bị nhiễm bệnh. Theo khảo sát do 2 công ty tư vấn công nghệ địa phương thực hiện vào tháng 3 vừa qua, có 12% người được khảo sát đặc biệt quan tâm đến vấn đề vệ sinh tiền giấy.