Ngày 25-12, báo Financial Times đưa tin hoạt động kinh doanh của Hãng Apple đang bị đe dọa do đợt dịch COVID-19 lan rộng ở Trung Quốc. Các chuyên gia về chuỗi cung ứng cảnh báo nguy cơ gián đoạn sản xuất iPhone kéo dài hàng tháng đang tăng lên, trong bối cảnh các chuyên gia Trung Quốc dự báo đợt dịch hiện nay sẽ còn kéo dài.
Thiếu hụt nhân công
Ông Tăng Quang - cựu trưởng nhóm dịch tễ học tại Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Trung Quốc - đánh giá sẽ mất từ hai đến ba tháng nữa để các khu vực khác nhau của Trung Quốc đạt đỉnh dịch.
Cuối tuần trước, chính quyền tỉnh Chiết Giang - giáp thành phố Thượng Hải - cho biết số ca bệnh COVID-19 hằng ngày tại đây đã vượt quá 1 triệu ca và có khả năng sẽ tăng gấp đôi lên mức cao nhất là 2 triệu ca mỗi ngày vào dịp Tết Nguyên đán.
Trong bối cảnh dịch bệnh đang lan rộng sau khi Trung Quốc đảo ngược chính sách "zero COVID", một rủi ro lâu dài hơn đang hiện ra: Khả năng thiếu hụt công nhân tại các nhà máy linh kiện hoặc nhà máy lắp ráp trên cả nước. Và Apple nằm trong số đó.
Apple đã phải đối mặt với sự trì hoãn trong sản xuất ngay từ tháng 2-2020, trước khi COVID-19 lan rộng sang các nước phương Tây và gây ra các vấn đề về sản xuất kể từ đó. Tuy nhiên, tình hình hiện tại được mô tả là chưa từng có.
Gã khổng lồ công nghệ của Mỹ đã phải đối mặt với hơn một tháng hỗn loạn tại nhà máy của nhà lắp ráp Foxconn ở Trịnh Châu (Trung Quốc), hay còn được gọi là "thành phố iPhone", sau đợt bùng phát COVID-19 bắt đầu vào tháng 10 vừa qua.
Foxconn đã chuyển một số hoạt động sản xuất của họ sang các nhà máy khác trên khắp Trung Quốc, còn Apple đã làm việc với các nhà cung cấp linh kiện để giảm bớt thời gian chờ đợi lâu bất thường - tới khoảng 23 ngày đối với khách hàng mua iPhone cao cấp ở Mỹ, theo nghiên cứu của Ngân hàng UBS (Thụy Sĩ).
Bà Bindiya Vakil, giám đốc điều hành của công ty quản lý rủi ro chuỗi cung ứng Resilinc, nhận định nhiều hoạt động sẽ bị ảnh hưởng, không chỉ tại các nhà máy, mà còn ở cả các nhà kho, cơ sở hậu cần, phân phối và vận chuyển.
Nguồn: Counterpoint Research, WSJ - Dữ liệu: BÌNH AN - Đồ họa: TẤN ĐẠT
Doanh thu sụt giảm
Hồi tháng 11, Apple đã cảnh báo về sự gián đoạn "đáng kể" trước kỳ nghỉ lễ. Các nhà phân tích cho rằng doanh thu của Apple trong quý này sẽ giảm so với mức kỷ lục 123,9 tỉ USD mà công ty từng đạt được vào quý 4-2021, với lợi nhuận ròng dự kiến sẽ giảm hơn 8%.
Điều đó sẽ phá vỡ sự tăng trưởng doanh thu liên tục trong nhiều quý, trong bối cảnh Apple gặp phải tình trạng thiếu hụt từ 5 triệu đến 15 triệu chiếc iPhone.
Những rủi ro đối với doanh thu của Apple trong năm 2023 đã tăng lên khi mô hình dự báo cho thấy dịch COVID-19 có thể diễn biến xấu thêm trong những tháng mùa đông tới sau khi Trung Quốc nới lỏng các quy định chống dịch nghiêm ngặt.
Một cửa hàng Apple ở quận mua sắm chính của Bắc Kinh đã phải cắt giảm giờ làm việc vào tuần trước vì tất cả nhân viên của họ đều bị bệnh.
1/5 doanh thu của Apple đến từ việc bán hàng ở Trung Quốc, và hơn 90% iPhone của Apple được lắp ráp ở quốc gia tỉ dân này. Đối thủ smartphone của Apple là Samsung đã rời Trung Quốc vào năm 2019 và đã đa dạng hóa khâu lắp ráp tại ít nhất 4 quốc gia.
Ông Horace Dediu, nhà phân tích độc lập tại Công ty tư vấn Asymco, nhận định tiếp nối những khó khăn trong hoạt động và sản xuất của Apple những tháng gần đây có thể là cuộc khủng hoảng nhu cầu ở Trung Quốc, khi người tiêu dùng điều chỉnh thói quen chi tiêu giữa khó khăn.
Các nhà cung cấp quan trọng nhất của Apple bao gồm Foxconn, Pegatron và Wistron - cả ba công ty đều của Đài Loan - đã phản ứng bằng cách tìm cách mở rộng các hoạt động của họ tại Ấn Độ.
Prabhu Ram, trưởng nhóm tình báo công nghiệp tại Hãng CyberMedia Research ở Gurgaon của Ấn Độ, ước tính có tới 7-8% iPhone đang được lắp ráp tại Ấn Độ, đồng thời dự đoán ba nhà cung cấp lớn nói trên đang nhắm mục tiêu lắp ráp 18% số iPhone ở Ấn Độ vào năm 2024.
Nhiều hãng công nghệ bị ảnh hưởng
Không chỉ Apple, nhiều công ty công nghệ nước ngoài khác có cơ sở sản xuất ở Trung Quốc đại lục cũng đang phải đối mặt với tình trạng gián đoạn kéo dài hàng tháng do ảnh hưởng của COVID-19.
Các nguồn tin cho biết Hãng xe điện Tesla đã ngừng sản xuất tại nhà máy ở Thượng Hải vào cuối tuần trước. Nhà máy này dự kiến sẽ đóng cửa vào dịp Tết, nhưng quyết định được đưa ra sớm hơn dự kiến. Theo trang SiliconANGLE, các công ty khác có cơ sở sản xuất ở Trung Quốc đại lục có khả năng bị ảnh hưởng bao gồm Samsung, Microsoft, Google LLC, Dell và HP.
Đọc thêm