Theo dữ liệu mới từ Kaspersky, tình hình an ninh mạng Việt Nam đã có những dấu hiệu tích cực trong quý II/2024 so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, trước sự gia tăng và phức tạp của các loại hình tấn công mạng, việc duy trì cảnh giác cao độ và đầu tư vào các giải pháp bảo mật vẫn là nhiệm vụ cần được ưu tiên hàng đầu.
Cụ thể, từ tháng 4 - 6/2024, Kaspersky đã ngăn chặn thành công 4.830.621 mối đe dọa thông qua các trang web trên máy tính của người tham gia mạng lưới bảo mật của Kaspersky. Số lượng mối đe dọa web đã giảm đáng kể so với con số 7.713.485 cùng kỳ năm 2023, góp phần nâng cao xếp hạng của Việt Nam trên bản đồ an ninh mạng toàn cầu. Tuy vậy, theo thống kê, cứ 5 người Việt Nam thì vẫn có 1 người từng đối diện với sự cố an ninh mạng trên các trang web.
Tội phạm mạng tiếp tục sử dụng hai phương thức chính để lan truyền phần mềm độc hại thông qua trình duyệt web: Khai thác các lỗ hổng trong trình duyệt, các thành phần bổ sung (plug-ins) và tấn công phi kỹ thuật (social engineering). Trong đó, phương thức social engineering là kẻ xấu dụ dỗ người dùng tải về các tệp độc hại được ngụy trang dưới “vỏ bọc" phần mềm hợp pháp.
Mặc dù các mối đe dọa web đã giảm nhưng số lượng người dùng bị tấn công bởi phần mềm độc hại, lây lan qua các thiết bị lưu trữ di động như USB, đĩa CD và DVD (các mối đe dọa cục bộ) vẫn còn đáng lo ngại. Kaspersky đã phát hiện 21.896.537 vụ tấn công cục bộ tại Việt Nam trong quý II/2024, giảm nhẹ so với 30.909.482 của cùng kỳ năm 2023.
Điều này cho thấy nhu cầu cấp thiết về các giải pháp bảo mật toàn diện, vượt xa phạm vi của phần mềm diệt virus truyền thống như trước đây. Tường lửa, công cụ chống rootkit và khả năng kiểm soát các thiết bị lưu trữ di động là những lớp bảo vệ không thể thiếu để ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm qua các thiết bị ngoại tuyến.