Cú bắt tay bom tấn giữa Apple và Goldman Sachs: Không màng tới lợi nhuận, mục tiêu là "nhốt" 2 tỷ người dùng iPhone trong hệ sinh thái khổng lồ, đe doạ ngân hàng truyền thống

Apple hợp tác với Goldman Sachs được dự đoán sẽ làm thay đổi tương lai ngành ngân hàng.
Cú bắt tay bom tấn giữa Apple và Goldman Sachs: Không màng tới lợi nhuận, mục tiêu là nhốt 2 tỷ người dùng iPhone trong hệ sinh thái khổng lồ, đe doạ ngân hàng truyền thống - Ảnh 1.

Tuần trước, Apple đã gây bất ngờ với ngành công nghiệp ngân hàng của cả nước Mỹ. Trong khi trung bình các ngân hàng đang trả mức lãi suất ít hơn 0,5% cho các khoản tiết kiệm thì công ty công nghệ trị giá 2,6 nghìn tỷ USD lại tuyên bố họ cung cấp mức lãi suất 4,15% cho người gửi tiền. Đáng chú ý, sản phẩm mới của Apple được công bố tại thời điểm khi mà các ngân hàng khu vực đang chịu sự xáo trộn kể từ khi nhà băng SVB sụp đổ và các startup công nghệ tài chính khác cũng đang gặp khó khăn tương tự.

CÚ BẮT TAY BOM TẤN

Nói một cách nghiêm túc thì Apple không có giấy phép ngân hàng. Họ chỉ đang đóng vai trò là bình phong cho Goldman Sachs – một ngân hàng chính thống. Theo cách nói trong giới công nghệ tài chính, Apple là một neobank – tức ngân hàng kỹ thuật số trực tuyến giống như Chime, Revolut và Monzo. Điểm khác biệt duy nhất có lẽ nằm ở sức mạnh thương hiệu vô song của Apple, khiến hơn 2 tỷ điện thoại iPhone trên toàn cầu của họ từ giờ trở đi sẽ phục vụ như 1 mạng lưới chi nhánh của Goldman Sachs.

Theo như khảo sát “Niềm tin vào tổ chức” hàng năm của Gallup vào năm ngoái, trước SVB, chỉ có 27% người Mỹ báo cáo cho biết họ thấy “tuyệt vời hay khá nhiều” tự tin về các ngân hàng của họ. Con số này giảm từ mức đỉnh 60% vào năm 1979. Trái lại, Apple luôn đứng vị trí đầu bảng trong 10 năm liên tiếp theo bảng xếp hạng thương hiệu. Ngân hàng duy nhất lọt top 25 là JPMorgan, xếp thứ 24, trước YouTube.

Apple đang di chuyển thần tốc còn nhiều ngân hàng thì đang lái xe với tốc độ 45 dặm/h trên cùng một làn đường”, theo chuyên gia phân tích tại Webbush Securities là Dan Ives.

Tài khoản tiết kiệm lãi suất cao mới chỉ được cung cấp cho các khách hàng có Apple Card. Những người dùng này có thể thiết lập tài khoản trong vài phút và điểm thưởng cho các chi tiêu được gọi là Apple Cash hàng ngày sẽ được tự động chuyển vào tài khoản tiết kiệm. Tài khoản này sẽ hiện trên bảng điều khiển trong ví kỹ thuật số Apple – nơi người dùng có thể theo dõi số dư và số tiền lãi họ tích luỹ được. Sản phẩm này cho phép Apple cung cấp một lợi ích khác của iPhone bằng cách củng cố sức mạnh ví kỹ thuật số của họ.

Đó thật sự là một bước đi thần kỳ để giữ mọi thứ trong hệ sinh thái”, theo David Donovon – Phó chủ tịch công ty dịch vụ tài chính Publicis Sapiant.

Cú bắt tay bom tấn giữa Apple và Goldman Sachs: Không màng tới lợi nhuận, mục tiêu là nhốt 2 tỷ người dùng iPhone trong hệ sinh thái khổng lồ, đe doạ ngân hàng truyền thống - Ảnh 2.

Tài khoản tiết kiệm là dịch vụ tài chính mới nhất mà 1 công ty máu mặt ở thung lũng Silicon cung cấp. Tháng trước, Apple bắt đầu cung cấp gói mua trước, trả sau cho phép khách hàng chia số lần thanh toán thành 4 lần mà không mất phí, không tính lãi. Hồi tháng 7, Apple ra mắt tính năng tap-to-pay cho phép người bán chấp nhận thanh toán thẻ trực tiếp từ iPhone của họ. Bằng việc cung cấp các dịch vụ tài chính như vậy tới khách hàng và người bán, Apple đang tích hợp vào mọi mặt cuộc sống của người tiêu dùng trong khi đó vẫn thu được phí quẹt thẻ và bán chéo sản phẩm của chính họ.

Trong tất cả các dịch vụ tài chính của Apple, Goldman Sachs đều đóng vai trò đứng phía sau. "Chính những mối quan hệ đối tác như thế này về cơ bản có thể khiến ngân hàng trở nên vô hình", Chris Nichols, giám đốc thị trường vốn tại Southstate Bank nói.

Đây không phải lần đầu tiên một công ty đáng tin cậy bên ngoài lĩnh vực ngân hàng thử len lỏi vào cuộc sống tài chính của khách hàng. Hồi những năm 1970, Sears Roebuck – từng là nhà bán lẻ lớn nhất tại Mỹ và là thương hiệu nổi tiếng khắp mọi nơi như Apple, đã sở hữu hàng loạt chi nhánh cho vay và tiết kiệm trên khắp California. Hồi những năm 1980, Sears mua nhà môi giới Dean Witter Reynolds và nhà môi giới BĐS Coldweel. Tuy nhiên, Sear đã thất bại tại chính mảng bán lẻ cốt lõi và Target đã chiếm lấy thị phần của họ. Sự nổi lên của Amazon cũng góp phần khiến Sears sụp đổ và vào năm 2018, công ty này đã nộp đơn xin phá sản.

Trước khi Apple thông tin hợp tác với Goldman Sachs với sản phẩm tiết kiệm mới, phần thưởng chi tiêu trên Apple Card được tự động chuyển thành Apple Cash – một thẻ kỹ thuật số trả trước trong ví kỹ thuật số iPhone và được phát hành bởi Green Dot Bank. Tham vọng của Apple là với Apple Cash là trở thành nơi để khách hàng gửi tiền thông qua iMessage giống hệt cách họ sử dụng Venmo của PayPal hay CashApp của Block.

Apple định vị ví điện tử của họ sẽ là màn hình điều khiển hoàn chỉnh cho cuộc sống tài chính của khách hàng bằng việc kết hợp tiết kiệm, chuyển tiền, thanh toán ở cửa hàng và có nút Apple Pay khi thanh toán trực tuyến. Cuối cùng, đây có thể trở thành siêu ứng dụng như AliPay của Trung Quốc – cũng khởi đầu là ví kỹ thuật số vào năm 2004. Hiện nay, AliPay có 1,3 tỷ người dùng và là nơi xử lý loạt tính năng từ thanh toán, hoá đơn giao hàng và mua vé… Trong nửa thứ 2 của năm 2021, mảng bán lẻ của ứng dụng này đã mang về 41 tỷ USD doanh thu. Trong khi Apple đang chạy nước rút để xây dựng bảng điều khiển tài chính tích hợp với iPhone cho khách hàng của mình, thì các ngân hàng truyền thống vẫn đang vật lộn để tạo ra trải nghiệm người dùng hấp dẫn.

KHÔNG MÀNG LỢI NHUẬN

"Một ngân hàng sẽ phải cạnh tranh với Apple, điều khó có thể thực hiện được với ví hoặc tạo ra các dịch vụ siêu nhỏ trong các loại ví khác nhau. Apple đã nói rõ điều đó với bảng điều khiển đầy màu sắc, dễ đọc của họ mà nhiều ngân hàng đã phải vật lộn để làm ra được", một chuyên gia nhận định.

Một lý do khiến ngân hàng khó cạnh tranh với ví kỹ thuật số của Apple là công ty công nghệ này không cung cấp cho bên thứ ba quyền truy cập vào chip của iPhone, thiết bị cho phép chạm để thanh toán tại cửa hàng. Việc Apple độc quyền giữ tính năng tap-to-pay bằng iPhone mang lại cho công ty đòn bẩy vượt trội khi đàm phán với các ngân hàng phát hành thẻ. Khi Apple Pay ra mắt vào năm 2014, các ngân hàng đã đồng ý trả cho Apple hoa hồng 0,15% cho các giao dịch thẻ tín dụng, chiếm phần lớn doanh thu ví kỹ thuật số.

Sự thống trị của Apple đối với tap-to-pay là một vấn đề đau đầu đặc biệt đối với các ví kỹ thuật số khác bao gồm Google Pay trên Android. Google được cho là không nhận được phí giao dịch từ các tổ chức ngân hàng. Không giống như Apple, Google cho phép các công ty khác tích hợp tính năng tap-to-pay trên điện thoại Android.

Những ứng dụng thanh toán như Venmo và CashApp cũng không được cung cấp thanh toán trên iPhone nghĩa là người dùng dòng điện thoại này sẽ chỉ thêm Venmo hay CashApp vào ví Apple của họ để sử dụng trong các cửa hàng thay vì trả trực tiếp từ ứng dụng.

Tờ Forbes nhận định, tài khoản tiết kiệm lãi suất cao mới của Apple được cho ra đời dường như ít liên quan đến lợi nhuận mà thay vào đó mục tiêu chủ yếu là khiến nhiều chủ sở hữu iPhone hơn rơi vào guồng quay tài chính của Apple và Goldman Sachs. Trong khi hai tỷ người trên thế giới sở hữu các thiết bị của Apple, hiện mới chỉ ít hơn 10% người dùng Apple Card.

Về phía Goldman Sachs, biên lợi nhuận ròng cũng có thể không phải là ưu tiên hàng đầu. "Họ đang thu hút tiền gửi với lãi suất cao hơn mức họ thực sự phải cung cấp, cố gắng cạnh tranh nhiều hơn với các ngân hàng trực tuyến so với các ngân hàng truyền thống", Stephen Biggar, giám đốc nghiên cứu dịch vụ tài chính tại Argus cho biết. "Họ đang tự siết chặt lợi nhuận của mình bằng cách đưa ra loại sản phẩm này".

Trong buổi báo cáo kết quả kinh doanh của Goldman Sachs tuần trước, Giám đốc điều hành David M. Solomon đã nói về thỏa thuận mới với Apple. "Thoả thuận giúp chúng tôi làm sâu sắc thêm mối quan hệ với Apple, khai thác vào hệ sinh thái của Apple và các khách hàng mà chúng tôi phục vụ cùng nhau, những người là chủ thẻ và muốn tận dụng sự dễ dàng của việc chuyển vào tài khoản tiền gửi".

Nhà tư vấn Donovon nói, "Goldman đã rất thông minh, thay vì chi số tiền lớn để tự phát triển thì họ hợp tác với một hệ sinh thái khổng lồ như Apple". Tuy nhiên, ngay cả khi hai thương hiệu quyền lực kết hợp với nhau thì họ cũng sẽ cần phải thận trọng với các cơ quan quản lý.

Văn phòng Kiểm soát Tiền tệ đang theo dõi chặt chẽ quan hệ đối tác ngân hàng với các công ty công nghệ và Cục Bảo vệ Tài chính Người tiêu dùng Mỹ cũng đã điều tra các hoạt động thẻ tín dụng của Goldman Sachs.

Lỗ hổng lớn nhất của ngân hàng là mất niềm tin, văn hóa ngân hàng được xác định bởi sự ổn định, thận trọng và quản trị”, theo Michael J. Hsu – một quyền kiểm soát viên tiền tệ nói. “Ngược lại, văn hóa của ngành công nghệ tin tưởng vào sự đột phá, di chuyển nhanh và phá vỡ mọi thứ và tính ưu việt của code. Làm thế nào những nền văn hóa này cùng tồn tại để thúc đẩy ngân hàng mở là vấn đề vô cùng quan trọng”.

Nguồn: Forbes