Trong cuộc phỏng vấn gần đây với BBC, cựu chủ tịch của Alphabet đồng thời là cựu CEO Google, ông Eric Schmidt, đã cảnh báo rằng Huawei đang gây ra các thách thức cho an ninh quốc gia và rằng công ty Trung Quốc này đã tham gia vào "các hành vi không thể chấp nhận được".
Sau khi rời khỏi vị trí chủ tịch điều hành tại công ty mẹ của Google, ông Schmidt hiện đang là thành viên của một Hội đồng Sáng tạo Quốc phòng của Lầu Năm Góc.
Trong chương trình phỏng vấn với đài BBC, ông tuyên bố rằng thông tin từ các router Huawei sẽ rơi vào tay chính phủ Trung Quốc. Tuy nhiên, người đứng đầu Huawei ở Anh, Victor Zhang đã bác bỏ các cáo buộc này trong tuyên bố với đài BBC, khi cho biết:
"Các cáo buộc này được đưa ra bởi Eric Schmidt, người hiện đang làm việc cho chính phủ Mỹ, chỉ đơn giản là không đúng sự thật và cũng giống như các lập luận trong quá khứ, không có bằng chứng nào cả. Huawei độc lập với bất kỳ chính phủ nào, kể cả chính phủ Trung Quốc."
Thách thức vị trí dẫn đầu của Mỹ
Trong cuộc phỏng vấn, ông Eric Schmidt cũng giải thích rằng Huawei đã gây ra thách thức cho vị trí lãnh đạo của Mỹ khi một công ty Trung Quốc, hoạt động trên toàn cầu nhưng lại tạo ra các sản phẩm tốt hơn các đối thủ cạnh tranh của mình. Ông tin rằng câu trả lời cho sự thống trị của Huawei trong lĩnh vực công nghệ là khuyến khích sự cạnh tranh nhiều hơn nữa trong lĩnh vực này.
Ông Schmidt cũng tiết lộ rằng trong sự nghiệp của mình tại Thung lũng Silicon, ông đã đánh giá thấp khả năng của Trung Quốc trong sự sáng tạo:
"Tôi đã mang những định kiến về Trung Quốc trong nhiều năm làm việc với họ. Rằng họ rất giỏi trong việc sao chép mọi thứ, cũng như tổ chức mọi việc, rằng họ chỉ đưa một lượng lớn người vào làm việc đó. Nhưng họ sẽ không làm được điều gì đó mới mẻ. Họ rất, rất giỏi ăn trộm thứ gì đó. Những định kiến đó cần phải bị loại bỏ. Người Trung Quốc không chỉ giỏi, mà còn giỏi hơn phương Tây trong những lĩnh vực quan trọng về nghiên cứu và sáng tạo."
Để cạnh tranh tốt hơn với Trung Quốc, ông Schmidt tin rằng phương Tây cần đầu tư hơn nữa vào nghiên cứu, khuyến khích cộng tác giữa các đơn vị tư nhân, nhà nước và học viện cũng như mở cửa cho các tài năng tốt nhất trên thế giới.
Tham khảo TechRadar