Cựu Tổng thống Mỹ Obama kêu gọi tăng cường kiểm soát mạng xã hội

Ông Barack Obama cho rằng thông tin sai lệch trên mạng xã hội đang đẩy nhanh quá trình chia rẽ chính trị, do đó các nền tảng này cần được kiểm soát mạnh tay hơn.
Chia sẻ

Trong một bài phát biểu tại Đại học Stanford, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã kêu gọi quản lý chặt chẽ hơn nữa các tập đoàn mạng xã hội tại Mỹ, cho rằng quyền lực kiểm soát lượng thông tin công chúng hấp thụ của các tập đoàn này đã tăng cường quá trình chia rẽ chính trị và đe dọa trụ cột của nền dân chủ trên toàn cầu. 

Đề cập đến vấn đề thông tin sai lệch và giả mạo lan truyền trên mạng xã hội, ông Obama nói rằng các thuật toán mà giới công nghệ mạng xã hội sử dụng cần được chính phủ quản lý giống như phương thức quản lý an toàn xe ô tô, thực phẩm và nhiều sản phẩm tiêu dùng khác.

Cựu Tổng thống Obama cho biết: “Các công ty công nghệ cần minh bạch hơn về phương thức hoạt động của mình… Quá nhiều người thảo luận về thông tin sai lệch tập trung vào nội dung mà mọi người đăng tải, trong khi vấn đề lớn hơn nằm ở nội dung mà chính các nền tảng [mạng xã hội] khuyến khích và lan truyền.” 

Cựu Tổng thống Mỹ Obama kêu gọi tăng cường kiểm soát mạng xã hội - 1
Cựu Tổng thống Mỹ Obama kêu gọi tăng cường kiểm soát mạng xã hội - 2

Ông Obama cũng lên tiếng ủng hộ đề xuất sửa đổi Mục 230 của Đạo luật Chuẩn mực Truyền thông (Communications Decency Act) của Mỹ, vốn bảo vệ các nền tảng mạng xã hội khỏi trách nhiệm đối với nội dung mà người dùng đăng tải. Những người ủng hộ thay đổi quy định này cho rằng thay đổi quy định sẽ bắt các công ty mạng xã hội có biện pháp mạnh tay hơn nhằm ngăn chặn hành vi nguy hiểm hoặc bất hợp pháp trên nền tảng của mình. 

Trong bài phát biểu, ông Barack Obama đã dẫn chứng hiệu quả sử dụng mạng xã hội trong chiến dịch tranh cử của mình, nhưng cũng đề cập đến sự khó chịu của bản thân với cách mạng xã hội bị sử dụng để can thiệp vào kết quả bầu cử tổng thống tại Mỹ năm 2016, đặc biệt nhắm vào Tổng thống Nga Vladimir Putin. 

Ông Obama cho biết: “Điều vẫn làm tôi khó chịu là thất bại của tôi trong việc nhận thức đầy đủ mức độ nhạy cảm của chúng ta đối với những lời nói dối và thuyết âm mưu, ngay cả khi bản thân tôi cũng là một mục tiêu của thông tin sai lệch [đề cập đến thuyết âm mưu về giấy khai sinh của bản thân ông Obama]... Ông Putin không làm điều này và cũng không cần làm vậy. Chính chúng ta đã làm điều đó với bản thân mình.” 

Những người tham dự hội thảo tại Đại học Stanford bao gồm các cựu quan chức Mỹ, học giả nổi tiếng và đại diện một số công ty công nghệ như Alphabet (Google, YouTube) và TikTok. Các diễn giả tham gia thảo luận đều đồng ý về vấn đề thông tin sai lệch cũng như tác động gây chia rẽ của nó, nhưng chưa đạt được đồng thuận nào về giải pháp cụ thể cho vấn đề này.